MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ông lớn” ngân hàng ép lãi suất xuống thấp kỷ lục

11-10-2014 - 07:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Mức lãi suất tiền gửi VND thấp nhất thị trường hiện nay chỉ còn 4,3%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh lớn. Tiền còn đang dư thừa khá lớn và ngân hàng ép đầu vào đẩy đẩy vốn ra...

Lãi suất thấp nhất còn 4,3%/năm

Dẫn đầu về mức lãi suất huy động thấp nhất toàn thị trường hiện nay phải kể tới Agribank. Trong đợt điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi VND mới nhất ngày 8/10, kỳ hạn gửi 1 tháng tại nhà băng này còn có 4,3%/năm. Kỳ hạn 2 và 3 tháng tại Agribank giảm về lần lượt là 4,8% và 5,3%/năm.

Trong tuần đầu tiên của tháng 10, cái tên Vietcombank vẫn được xướng lên đầu tiên trong số các nhà băng công bố đợt giảm lãi suất mới. Kỳ hạn gửi từ 24-60 tháng giảm tới 0,5%, từ 6,8%/năm xuống còn 6,3%/năm. Các kỳ hạn ngắn hoặc trung hạn (dưới 12 tháng), mức lãi suất huy động mới đều đã giảm.

Lãi suất gửi 1 tháng tại Vietcombank giảm chỉ còn 4,5%/năm; kỳ hạn gửi 2 và 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 5%/năm. Kỳ hạn gửi 12 tháng được Vietcombank “căng” ở mức 6,2%/năm.

Khác với những lần trước đây chỉ có số ít “ông lớn” ngân hàng “đơn phương độc mã” điều chỉnh giảm lãi suất huy động, còn các nhà băng khác gần như đứng ngoài cuộc, thì đợt điều chỉnh lãi suất đầu tháng 10 lại chứng kiến sự tham gia của cả các ngân hàng “tầm trung”.Tại Ngân hàng BIDV, ngoài tiếp tục giảm lãi suất từ 0,2-0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Mức lãi tiền gửi kỳ hạn 2 tháng mà BIDV áp dụng từ ngày 23/9 còn 4,8%/năm thay vì mức 5% /năm cách đó 1 tháng.

Một trong số đó phải kể tới Ngân hàng Techcombank khi ngay trong tuần đầu tiên của tháng 10, nhà băng này có tới 3 lần điều chỉnh bảng lãi suất huy động. Lãi suất huy động cao nhất Techcombank đang áp dụng giảm còn 7,26%/năm, thay vì mức 7,56%/năm cho kỳ hạn gửi 36 tháng rút gốc linh hoạt. Cùng kỳ hạn gửi này, nhưng khách hàng rút lãi hàng tháng tại quầy, thì lãi suất tiền gửi giảm xuống còn 6,59%/năm, giảm 0,24%/năm so với đợt điều chỉnh trước đây.

Ngân hàng thừa rất nhiều tiền

Nhận định về xu thế hạ lãi suất huy động hiện nay, chia sẻ vớiInfonetTS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng dư thừa vốn lớn, không cho vay ra được nên cũng không có nhu cầu huy động quá nhiều.

Bình luận về mức lãi suất đầu vào 4,3%/năm – thấp nhất thị trường mà Agribank đưa ra trong biểu lãi suất của mình từ ngày 8/10, TS. Thành nhìn nhận, đây là biểu hiện rõ nét nhất về chuyện ngân hàng đang dư thừa quá nhiều vốn. Do đó, giảm lãi suất cũng là cách để nhà băng tối đa hóa chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào, đầu ra. Diễn biến này sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhà băng nào có lãi suất tốt sẽ giữ chân được khách gửi tiền.

“Các nhà băng lớn dư vốn, quản trị tốt có thể tính toán giảm giá vốn đầu vào xuống thấp để “ép” giảm giá vốn đầu ra, đẩy tiền ra. Còn ngược lại các nhà băng nhỏ hơn thì có thể vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động hiện có để hút người gửi tiền”- ông Thành nhận định.

Dự kiến, nếu không có biến động lớn về giá thì lạm phát cả năm sẽ dừng lại ở mức 3-4%/năm. Như vậy, với mức lãi suất huy động dù thấp nhất thị trường là 4,3%/năm thì vẫn cao hơn lạm phát và ngân hàng còn “dư” chút đỉnh.

Với tình trạng dòng tiền còn đang dư thừa khá lớn trong hệ thống ngân hàng cùng với xu hướng “ép” lãi suất huy động xuống thấp như hiện nay, TS. Nguyễn Đức Thành dự báo, có thể tới đây cơ quan điều hành sẽ phải xem xét tới chuyện giảm thêm lãi suất điều hành.

Còn dưới góc độ “người trong cuộc”, ông Đào Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc Vietcombank nêu quan điểm, chuyện các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất là điều dễ hiểu khi lạm phát thấp. Đây cũng là bước đi chủ động của các ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, “kích” tín dụng tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm.

Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch lãi suất của nhà băng hiện khá thấp, thấp hơn nhiều giai đoạn trước đây, nên giảm lãi suất huy động là nhà băng đã tính toán để nắm bắt chi phí cơ hội kinh doanh.

“Thanh khoản của ngân hàng đang dồi dào, nhưng nếu dư thừa vốn quá lớn, đầu ra không có, chi phí đội lên cao thì ngân hàng “chết” trước tiên. Vì thế, điều chỉnh giảm lãi suất theo tôi về dài hạn ngân hàng vẫn có lợi”- ông Tuấn bình luận.

Ở chiều ngược lại, TS. Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra hệ quả của chuyện lãi suất huy động bị “ép” quá thấp, là người dân sẽ chuyển hướng đầu tư sang các kênh sinh lời tốt hơn như đầu tư vào vàng, bất động sản, đô la…. Và tới lúc đó, những thị trường này lại có cơ hội “có sóng” trở lại.


Theo Nguyễn Hoài

hangnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên