MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án tham nhũng

29-12-2013 - 18:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Thanh tra Chính phủ cho hay, năm 2013 đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện chỉ đạt không quá 10%, trong đó nhiều vụ hầu như không thu được gì do bị can, bị cáo đã tẩu tán tài sản, làm thất thoát và không có khả năng hoàn trả. Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ thu được 59 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng.

Trước tình trạng số tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng rất lớn nhưng việc thu hồi không đáng kể, các cơ quan phòng, chống tham nhũng đặt quyết tâm xử lý nghiêm hành vi tham nhũng gắn với thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát...

Thanh tra Chính phủ cho hay, năm 2013 đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất... Tuy nhiên, số tiền, tài sản thu hồi được so với số kiến nghị còn khoảng cách khá xa.

Về phía cơ quan điều tra Công an các cấp, trong quá trình điều tra vụ án cũng tích cực phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi tài sản thất thoát. Lực lượng Cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can. Các đối tượng gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC, hiện đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng.

Điển hình như, C48 đã thụ lý, điều tra các vụ án với số tiền thiệt hại là 4.638 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 108.000m2 đất; C46 đã thụ lý, điều tra các vụ án với số tiền thiệt hại là 3.610 tỷ đồng. Công an các địa phương phát hiện thụ lý, điều tra các vụ án với số tiền thiệt hại là 1.000 tỷ đồng và 47.000m2 đất.

Một số vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản như vụ án vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng ở Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại 410 tỷ đồng, vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines gây thiệt hại 300 tỷ đồng. C46, Bộ Công an đang phối hợp với Interpol để thu hồi nguồn tiền 85 triệu USD từ các đối tượng nước ngoài chiếm đoạt của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng SeaBank gây thiệt hại 310 tỷ đồng...

Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi nhìn chung vẫn rất khó khăn do số lượng tiền thất thoát, bị chiếm đoạt lớn, trong quá trình phạm tội, các đối tượng đã tiêu xài, sử dụng vào các mục đích khác nhau nên không có khả năng hoàn trả. Cùng với đó, nhiều đối tượng tìm cách tẩu tán tiền, tài sản trước khi bị cơ quan tố tụng “sờ gáy” với suy nghĩ, chấp nhận bị phạt tù nhưng dành được của cải cho con cháu...

Vì vậy, vấn đề lớn để đảm bảo việc thu hồi tài sản tham nhũng là song song việc phát hiện, xử lý án tham nhũng, các cơ quan quản lý, chủ quản phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản. Một mặt, khi lượng hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Việc tham ô, tham nhũng phải xử lý nghiêm theo khung truy tố, còn việc hoàn trả tài sản tham nhũng là căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc là căn cứ để giảm án khi chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không thể coi việc hoàn trả tài sản tham nhũng là căn cứ để coi “xóa tội” hay cho hưởng hình phạt nhẹ (án treo, cải tạo không giam giữ...).

Theo Nguyên Thành

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên