MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN

12-01-2014 - 20:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài ra, theo phó thống đốc, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát từ xa; quản lý thị trường ngoại hối và thị trường vàng chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Ngày 10/1/2013, NHNN Chi nhánh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2014. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Ánh – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Ninh Bình cho biết, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm hoạt động ngân hàng an toàn, đến nay ngành Ngân hàng Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực.

Tính đến, 31/12/2013, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của các ngân hàng, TCTD đạt 20.601 tỷ đồng, tăng 18,7% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD đạt 38.820 tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm.

Nguồn vốn tín dụng trên địa bàn được đầu tư vào những chương trình lớn, các lĩnh vực ưu tiên như dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đạt 16.902 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng dư nợ cho vay, tăng 14,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đối với 31 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là 7.530 tỷ đồng, chiếm 44,6% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, nguồn vốn ngân hàng còn tập trung cho một số dự án kinh tế lớn của Ninh Bình như Công ty xi măng Tam Điệp, Nhà máy xi măng Duyên Hà…

Các ngân hàng, TCTD thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế tín dụng, các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động. Tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa tài chính. Tổng nợ xấu của các NHTM, Qũy tín dụng nhân dân đến 31/12/2013 là 220 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ.

“Với việc tích cực đưa ra các giải pháp xử lý nợ xấu nên tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Ninh Bình đã giảm. So với các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng thì nợ xấu của Ninh Bình tương đối thấp” – ông Phạm Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối, tỷ giá, đảm bảo hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng an toàn, phù hợp với diễn biến thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của NHNN Việt Nam, ngành Ngân hàng Ninh Bình đưa ra tại Hội nghị, năm 2014, hệ thống ngân hàng địa bàn phấn đấu mục tiêu tổng phương tiện thanh toán khoảng 16-18%; dư nợ tăng khoảng 12-14%. Điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và nâng cao tính minh bạch hoạt động của các TCTD.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2013, ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực như lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, tỷ giá ổn định, thị trường vàng được kiểm soát, xử lý nợ xấu hết sức tích cực… Đạt được kết quả này có sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng tỉnh Ninh Bình.

Phó Thống đốc biểu dương các kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng Ninh Bình về kết quả huy động vốn, cho vay. Đặc biệt, nguồn vốn của các ngân hàng trên địa bàn đã tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, DNNVV, các dự án trọng điểm của tỉnh… Các ngân hàng cũng tích cực tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội.

Đồng tình với các mục tiêu định hướng của NHNN chi nhánh Ninh Bình đặt ra tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, năm 2014, các ngân hàng địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các sở, ban, ngành của địa phương để triển khai quyết liệt các chính sách của ngành Ngân hàng.

“Ngành Ngân hàng phải cùng với địa phương vào cuộc quyết liệt, có theo dõi đánh giá, giám sát. Đặc biệt, trong năm 2014 cần tiếp tục triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho DN địa bàn” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát từ xa; quản lý thị trường ngoại hối và thị trường vàng chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Công tác thông tin -tuyên truyền phải kịp thời để người dân hiểu rõ và đúng hơn về các chính sách của ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc lưu ý, vào dịp cuối năm cần phải đảm bảo máy ATM được thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân. Phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương xử lý, tuyên truyền về chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ của NHNN, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách văn minh, đúng mục đích.

hangnt

Theo Thời báo ngân hàng

Trở lên trên