MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng bán lẻ nhiều cơ hội

21-05-2014 - 12:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam với dân số 90 triệu người, trong đó có tới 2/3 người dân ở nông thôn nhìn chung chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Sáng nay 21/5/2014, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Hiệp hội Ngân hàng Tiết kiệm và Bán lẻ Thế giới (WSBI) tổ chức Hội nghị thường niên các Ngân hàng Tiết kiệm Khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 20.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức chương trình này. Hội nghị lần này thu hút trên 80 nhà lãnh đạo ngân hàng, nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực tài chính đến từ 19 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương cùng một số tổ chức quốc tế khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố chủ đề của cuộc họp lần này “Biến những thách thức tiếp cận tài chính thành cơ hội kinh doanh”.

Ông Thắng cho biết, Việt Nam với dân số 90 triệu người, trong đó có tới 2/3 người dân ở nông thôn nhìn chung chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, là một thách thức, đồng thời cũng là cơ hội đối với các ngân hàng bán lẻ Việt Nam.

Trong ngày hội nghị đầu tiên, chủ đề chính là “Đổi mới ngân hàng bán lẻ để cung ứng dịch vụ tài chính cho người nghèo” và “Mô hình Ngân hàng – Bưu điện thúc đẩy tài chính vi mô”.

Cũng phải nói qua về WSBI. Đây là tổ chức bao gồm các thành viên là các định chế tài chính trong khu vực bán lẻ, cùng chú trọng tới các sáng kiến về tiếp cận tài chính và đề cao trách nhiệm “gắn xã hội trong kinh doanh”. WSBI tận dụng những thế mạnh của mạng lưới tiết kiệm quốc tế và ngân hàng bán lẻ xã hội, cam kết hợp tác toàn cầu để có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân và kinh doanh của khách hàng cả trong và ngoài nước.


Về triển vọng khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết hiện ngân hàng của ông đầu tư 40% vốn vào khu vực này, nhờ kết hợp với bưu điện và Hội cựu chiến binh địa phương (“phát hiện” những khách hàng tiềm năng, làm ăn thật), hiện không có nợ xấu trong mảng này.

Ông Hưởng cũng cho biết việc huy động vốn từ nông dân nói chung, người nghèo nói riêng, có ưu điểm là họ khá “chung thủy” – ít thay đổi nơi gửi tiền, cho dù nơi khác có thể có lãi suất cao hơn, đặc điểm này khác hẳn với những khách hàng ở thành phố.

Tuy nhiên, cũng có những đặc điểm không dễ dàng khi tiếp cận khách hàng khu vực này. Tâm lý ngại các thủ tục giấy tờ khiến nông dân thường tìm đến những nguồn tài chính phi ngân hàng, có lãi suất cao, nhờ thủ tục đơn giản, có khi lãi suất rất cao, kèm theo việc “bán lúa non”. Ví dụ, để vay vài triệu đồng, ngân hàng thường yêu cầu lập kế hoạch kinh doanh theo kiểu dự án để đánh giá mức độ khả thi. Điều này là không thể đối với người nông dân, và ngay cả với những cử nhân đại học, ông Hưởng hài hước.


Minh Thư

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên