“Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 5: Bộ trưởng về hưu 'có bảo bối'
Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá có lẽ không thể hình dung những ngày tới đây, ông cùng với ê kíp của trùm Kiên ở Ngân hàng ACB phải ra trước vành móng ngựa.
- 31-10-2013“Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
- 30-10-2013“Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
- 29-10-2013'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
- 28-10-2013“Phù thủy” ngân hàng
Nhiều người cũng còn nhớ, ngày 21/9/2012, cách một tuần trước khi bị khởi tố, ông Giá phát biểu trên một tờ báo rằng ông có “bảo bối” để bảo vệ mình là “cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm”.
Cố ý làm trái
Nhưng kết thúc quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh ông Giá vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Thứ nhất, ông vi phạm một loạt quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản, về trần lãi suất và luật Các tổ chức tín dụng khi ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB và công ty gửi tiền đồng và ngoại tệ vào các ngân hàng khác.
Chính từ chủ trương này, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên và 4 công ty (gồm Công ty TNHH chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TM - DV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng hơn 130.000 tỉ đồng (chính xác là 130.784.813.395.045 đồng) với lãi suất từ 8,5% đến 27%/năm và hơn 81 triệu USD với lãi suất 3% đến 6%/năm vào 29 ngân hàng.
Tuy đã thu được hơn 6.278 tỉ đồng và gần 2 triệu USD tiền lãi, trong đó lãi chênh lệch vượt trần hơn 258 tỉ đồng, nhưng còn kẹt lại hơn 718 tỉ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Thứ hai, ông Giá bị cáo buộc đồng ý với các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương cấp vốn cho Công ty TNHH chứng khoán ACB, là doanh nghiệp do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ đầu tư cổ phiếu của chính ngân hàng này và trực tiếp chỉ đạo việc cấp vốn cho Công ty ACBS.
Thực hiện chủ trương đó, từ tháng 11/2009 đến 4/2012, Ngân hàng ACB đã cấp hơn 1.557 tỉ đồng cho Công ty ACBS để doanh nghiệp này nhờ 2 công ty ACI và ACI-HN của trùm Kiên (không có chức năng kinh doanh tài chính) đứng tên mua hơn 52 triệu cổ phiếu Ngân hàng ACB, dẫn đến thiệt hại gần 700 tỉ đồng.
Hành vi này vi phạm điều 126 luật Các tổ chức tín dụng (quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát) và điều 29, Quyết định 27/2007 ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính (quy định công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán).
Hậu quả phi vật chất
Cơ quan điều tra kết luận: “Việc Trần Xuân Giá đồng ý chủ trương dùng tiền huy động của dân không sử dụng vào cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được phép hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích kinh doanh mà ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi vào các ngân hàng khác làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của các ngân hàng, từ đó làm ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả về phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ…”.
Trong khi đó, ê kíp dưới quyền ông Giá gồm các phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang, vốn từng được biết đến là những chuyên gia giỏi về tài chính, khi bị khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án này đều thừa nhận mình sai pháp luật, nhưng cho rằng họ chỉ là một thành viên không thể chống lại chủ trương của tập thể.
Riêng Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, cơ quan điều tra xác định là người được đào tạo cơ bản về quản lý kinh tế, có hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài chính ngân hàng, có nhiều năm làm quản trị, điều hành ngân hàng, biết rõ mọi chế độ, chính sách và quy định của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ về hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng nhưng đã đề xuất chủ trương trái pháp luật như đã nêu trên. Sau khi được HĐQT thông qua thành nghị quyết, ông Hải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chủ trương này nhằm mục đích thu lợi cho nhóm cổ đông.
Đương nhiên, bao trùm lên tất cả vẫn là vai trò của Nguyễn Đức Kiên. Ông trùm tài chính này được xác định đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Nghị định 52 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng, quy định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm… để thực hiện các hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra cho rằng, một số hành vi thao túng ngân hàng, sở hữu chéo do chưa được pháp luật điều chỉnh nên chưa có cơ sở để xử lý hình sự đối với ông Kiên.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được có đủ cơ sở chứng minh ông Kiên phạm vào 4 tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó ông Kiên là đối tượng chính, chủ mưu chỉ đạo mọi hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang…
(Còn tiếp)
Theo Thủy Long