MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Qua VAMC, tài sản đã sinh lời

29-06-2015 - 20:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Giải pháp mà NHNN lựa chọn để xử lý nợ xấu đã đúng và phát huy hiệu quả.

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
38 bài viết

Trọng tâm xử lý nợ xấu

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thống đốc nhấn mạnh đối với các NH trong những tháng còn lại của năm 2015 là phải xử lý quyết liệt nợ xấu và đến hết tháng 9/2015 đưa nợ xấu về mức 3%. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ…Thống đốc yêu cầu các TCTD tích cực bán nợ xấu cho VAMC. “Thời gian qua có nhiều NH đã chủ động bán nợ xấu cho VAMC nhưng bên cạnh đó vẫn có những TCTD chưa tích cực thực hiện. Vì vậy, tôi yêu cầu tất cả những TCTD chưa thực hiện nghiêm túc điều này phải cải thiện trong thời gian tới” - Thống đốc nhắc nhở.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc đã nêu rõ, các TCTD phải xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 đảm bảo đến ngày 30/6/2015 tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, các NH đã rất tích cực gửi hồ sơ bán nợ cho công ty này. Tính đến ngày 15/6/2015, VAMC đã duyệt mua 28.194 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Lũy kế từ khi hoạt động đến nay VAMC đã mua được 143.800 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Nhiều ý kiến đánh giá, việc VAMC mua nợ xấu đã hỗ trợ cho các NHTM giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu trong bối cảnh thị trường tài sản, đặc biệt thị trường bất động sản bị đóng băng và thị trường mua bán nợ chưa phát triển.

Mặc dù việc bán nợ của VAMC còn gặp nhiều trở ngại (về mặt pháp lý và hạ tầng tài chính của thị trường mua bán nợ) nhưng theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, việc “nhốt” nợ tại VAMC đã có tác dụng lành mạnh hoá tài chính, và các chỉ tiêu an toàn cho các NHTM. Đồng thời góp phần hỗ trợ các TCTD giảm nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi...

Nhưng, ở chiều ngược lại, không ít ý kiến băn khoăn cách xử lý nợ xấu hiện nay vẫn mới là “kỹ thuật”. Vì VAMC mua nợ xấu và trả bằng TPĐB chứ không phải “tiền thật” nên TCTD không có vốn thực để tái cho vay. “Những giải pháp này có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế do các nguồn lực bị “biến dạng” và không được phân bổ một cách hiệu quả nhất” - một ý kiến nhận xét.

Vì sao nợ xấu cần phải qua VAMC?

Vậy tại sao Việt Nam lại phải thành lập VAMC xử lý nợ xấu mà không phải là một mô hình khác giống như trên thế giới? Câu hỏi này không mới, nhưng cũng cần trả lời lại cho rõ hơn. Theo thông lệ quốc tế, bước đầu tiên khi xử lý nợ xấu là phải sớm tách khoản nợ đó ra khỏi bảng cân đối tài sản có. Tách bằng cách nào tùy thuộc vào điều kiện của quốc gia đó. Và theo thông lệ, xử lý nợ xấu đòi hỏi can thiệp của Chính phủ.

Nhưng tại Việt Nam, trong điều kiện ngân sách khó khăn, nguồn lực tài chính không có, thể chế pháp lý còn nhiều vướng mắc… Nếu như áp đặt mô hình xử lý nợ xấu nào trên thế giới vào Việt Nam đều khó có khả năng “vận hành” được. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các TCTD không thể tự xử lý nợ xấu được. Chính vì thế, NHNN đã cho thành lập VAMC với đặc thù riêng có ở Việt Nam, xử lý nợ xấu không bằng tiền tươi thóc thật mà bằng TPĐB, tạm thời giúp các TCTD quẳng bớt gánh nặng nợ xấu sang một bên để mở đường cho hoạt động tín dụng mới.

DN tái sản xuất kinh doanh nhờ NH bán nợ xấu cho VAMC

Đặt vấn về ở góc độ y tế, TS. Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định, nếu không có thuốc trị căn bệnh này kịp thời, thì sẽ có bao nhiêu con bệnh lăn đùng ra chết. Hay nói cách khác, nếu như NHNN không thành lập VAMC và để hệ thống NHTM tự xử lý nợ xấu thì chắc chắn sẽ có một số NHTM… chết. Với tình hình nợ xấu cao như vậy, kinh tế khó khăn, chưa kể yếu tố tâm lý, ngay cả NĐT trong nước không ai dám đầu tư, chưa nói đến NĐT nước ngoài… Tất cả mọi thứ chắc chắn ứ đọng.

“Đến thời điểm này, không có con bệnh lăn đùng ra chết, thì có thể thấy liệu pháp điều trị của bác sỹ thời gian vừa qua đã phát huy tác dụng. Tức là thời gian qua, không có NH nào bị phá sản, đổ vỡ vì nợ xấu. Điều này cho thấy giải pháp mà NHNN lựa chọn để xử lý nợ xấu đã đúng và phát huy hiệu quả”, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia NH bình luận: giả sử nếu gần hai trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu không được chuyển qua VAMC trong thời gian qua mà vẫn nằm ở TCTD thì sẽ có biết bao nhiêu DN khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Một điểm quan trọng nữa, nợ xấu vốn là tài sản không sinh lời. Nhưng qua VAMC tài sản đóng băng này có thể được luân chuyển khi các TCTD mang TPĐB thế chấp tại NHNN để được vay tái cấp vốn, tiếp tục đưa vốn vào kinh doanh.

“Nếu như không có sự luân chuyển nợ xấu ra khỏi bảng tài sản và trở thành tài sản có sinh lời trong thời gian qua, liệu ai dám chắc sẽ không có NH nào bị đổ vỡ với khối lượng nợ xấu lớn như vậy không. Và nếu không nhờ công cụ này, liệu rằng thanh khoản các NH có được cải thiện tốt như bây giờ. Nhờ thanh khoản tốt mới giúp cho NH có thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay… Điều đó cho thấy đóng góp của VAMC trên thực tế là rất lớn”, một chuyên gia NH phân tích thêm.

Cũng có ý kiến cho rằng, người được hưởng lợi nhất khi bán nợ xấu cho VAMC là các TCTD. Nhưng, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: TCTD bán nợ xấu cho VAMC vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu đã bán. Mặt khác, NHNN có nhiều biện pháp mạnh mẽ kiểm soát, đảm bảo TCTD phải có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu. “Đây là những biện pháp đảm bảo tính kỷ luật thị trường trong hoạt động tín dụng, sự trừng phạt đối với TCTD có nhiều nợ xấu”, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

 

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên