“Quản lý giao dịch qua tài khoản là đúng hướng”
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho rằng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý giao dịch qua tài khoản là cách làm đúng.
- 16-06-2014Chỉ thu phí nộp, rút tiền mặt qua tài khoản
- 14-06-2014Cần cân nhắc mức phí nộp, rút tiền mặt
- 12-06-2014Nộp tiền mặt vào ngân hàng cũng sẽ mất phí, có nên?
- 10-06-2014Dự kiến phí rút tiền mặt tại TCTD tối đa là 0,05% tổng giá trị
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) cho rằng mục tiêu quản lý qua tài khoản là đúng hướng.
PV: Theo ông, việc ban hành Dự thảo Thông tư quy định về phí dịch vụ tiền mặt trong thời điểm hiện nay có phù hợp không?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Mục tiêu hướng tới là sớm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Do cách dùng tiền mặt hiện nay của chúng ta nên việc kiểm soát tiền mặt có nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng và rửa tiền, kê khai tài sản… Do đó, đặt mục tiêu quản lý qua tài khoản là đúng hướng.
Lâu nay các dịch vụ của ngành Ngân hàng bị kêu ca là dù có phí, lệ phí, đóng góp của khách hàng là đúng nhưng việc đầu tư trở lại cho máy móc trang thiết bị chưa thật tiện lợi và an toàn.
Về mức phí bao nhiêu Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu. Nước ngoài cũng thế, giao dịch đều có phí cả, mình cũng phải làm thế, nhưng làm sao để tạo thuận lợi cho người dùng, nếu chuyển từ mạng này sang mạng khác thì phí khác, nhưng còn nội mạng thì có thể miễn phí cho khách hàng, cũng là cách để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
PV: Trước đây, khi các ngân hàng thu phí ATM có đưa ra lý do để nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt cây ATM, nhưng người dân đã phản bác vì sự đầu tư chưa tương xứng. Vậy hiện nay với vấn đề thu phí gửi tiền và rút tiền có thể nêu ra lý do là để hệ thống ngân hàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng không?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Đúng là theo nguyên tắc khi thực hiện giao dịch qua hệ thống thì phải có chi phí để đầu tư, bảo dưỡng; muốn mở rộng phát triển cho tốt hơn thì phải có nguồn. Hiện nay công tác đầu tư của mình chưa thật hiện đại và trên diện rộng. Tôi cho rằng cần có lộ trình, từ thấp lên cao. Khi công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân, những người chịu sự tác động sẽ có ý kiến, nếu có ý kiến trái chiều, Ngân hàng sẽ phải cân nhắc và có giải trình minh bạch.
PV: Vậy việc quản lý nguồn thu này phải thực hiện ra sao?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Nguyên tắc mọi khoản thu phí, lệ phí phải đưa vào ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính quản lý, đầu tư lại cho ngành như thế nào đều theo quy định của pháp luật. Không thể thu rồi tự giữ, tự chi, mà phải tuân thủ theo luật thuế phí, lệ phí.
PV: Những người có số tiền gửi, tiền rút lớn thì họ đã phản đối dự thảo này. Đối với công nhân ở các khu công nghiệp sau khi quy định phí ATM họ đã chuyển sang hình thức rút tiền tại quầy giao dịch để tối giản chi phí, vậy dự thảo này ra đời có phải lại chặn nốt khoản tiết kiệm của công nhân, người thu nhập thấp hay không. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Đây là vấn đề đáng quan tâm, có thể có quy định, trước mắt có chính sách ưu đãi với những đối tượng khó khăn, ví dụ như người già nhận lương hưu qua tài khoản.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Thanh Hà