Quan ngại lãi suất trung hạn
Dù lãi suất cơ bản và lãi suất điều hành đã được NHNN giảm xuống rất sâu nhưng phần lớn những nhà kinh doanh vẫn tiếp tục quan ngại về chính sách lãi suất, đặc biệt về lãi suất trong trung hạn.
Với các nhà cung ứng tín dụng, thời gian càng về cuối năm càng khiến họ “sốt ruột”. Những chỉ tiêu áp cho bộ phận kinh doanh, đặc biệt về chỉ tiêu dư nợ, theo một nguồn tin thì ở nhiều NHTM quy mô lớn, tỉ lệ đạt/ chỉ tiêu rất thấp. Có ngân hàng đã lên kế hoạch phát triển dư nợ chỉ riêng cho lĩnh vực BĐS khoảng 400 tỉ đồng cho khu vực TP HCM, nay mới đạt chưa tới 1/5.
Tích cực tìm khách hàng
Thông báo từ Văn phòng Chính phủ tháng 7/2013 cho hay, tính đến ngày 25/7, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống ngân hàng ước tăng 5,02%,cao hơn mứctăng 1,2%củacùng kỳnăm 2012. So với mức kế hoạch đề ra đầu năm thì chỉ tiêu này đã đạt được khoảng 42%.Trong đó, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,25% và tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 9,48%.
Như vậy dù lãi suất huy động đã giảm khá mạnh về mức thấp (kỳ hạn từ 1-6 tháng là 5-7%/năm và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là 8-9%/năm), tuy nhiên, tăng trưởng cung tiền M2 và huy động vẫn duy trì tốc độ tương đương cùng kỳ năm 2012. Về các số liệu kể trên, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt nhận định như vậy vòng quay vốn vào nền kinh tế vẫn ngày càng chậm lại, phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế và sự sụt giảm lòng tin của các thành phần kinh tế (DN, ngân hàng và người tiêu dùng).
Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt nhận định, các NH đang hi vọng việc đẩy mạnh tín dụng với những gói cho vay ưu đãi ở tất cả các loại hình đầu tư kinh doanh tổ chức, cá thể hộ gia đình, vay tiêu dùng, vay mua địa ốc và sữa chữa nhà ở… sẽ có tín hiệu tích cực hơn vào những tháng cuối năm; do đây là thời điểm DN có nhu cầu tín dụng để vào guồng sản xuất kinh doanh với tốc độ nhanh và lớn nhất.
Các NH trong nhiều tháng qua cũng đã rất tích cực đi tìm khách hàng. Có thể thấy điều đó qua gói hỗ trợ thoạt nghe rất hấp dẫn: 2.000 tỉ đồng dành cho DNNVV với ưu đãi lãi suất giảm 1,5-2,5% của VP Bank, “Kết nối DN” – với 1.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 6,99% từ tháng 5 đến hết năm 2013 của VietCapital Bank, Vietcombank thậm chí dành tới 20.000 tỉ cũng cho DNNVV vay ưu đãi lãi suất VND với mức từ 8,5%/năm… Một loạt sản phẩm cũng được các NH sáng tạo cho DN: Techcombank tung Bộ giải pháp thúc đẩy kinh doanh trọn gói.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM cho biết mặc dù lãi suất cho vay đã hạ trung bình 1-3 điểm phần trăm, giúp DN hạ được chi phí vốn đáng kể và các gói vốn tiếp cận DN rất tích cực, nhưng cơ bản lãi suất ưu đãi vẫn chỉ hướng cho DN trong ngắn hạn. Thành ra chỉ những DN đang “sống”, đang có đầu ra nhưng hoặc bí tiền sản xuất ngắn hạn mới có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động. Điều đó khiến NH gặp khó bởi đầu ra của vốn tiếp tục nhỏ từng giọt, còn DN muốn phát triển xa hơn một chút lại chưa dám mạnh dạn phiêu lưu trong quyết định vay vốn đầu tư.
Khó vay trung hạn
Vì sao DN chưa dám vay vốn đầu tư trung hạn, trong khi lãi suất danh nghĩa đã giảm? Thứ nhất, chưa nói đến lãi suất trung hạn mà thực tế hiện nay ngay ở các khoản vay ngắn hạn thì nhiều DN cho biết họ vẫn đang phải vay với lãi suất khá cao, cao hơn mức 9-10% dành cho nhóm được hưởng vay ưu đãi từ khoảng 2-3%. Theo phân tích của một nhà băng thì đó là thực tế hiển nhiên bởi NH không còn dư địa để hạ chi phí xuống thấp hơn, trong khi rủi ro vẫn còn hiện diện mức cao và NH sẽ phải bắt buộc giữ lãi suất cho vay ở một mặt bằng nhất định để vừa đáp ứng đủ chi phí, vừa có phần trích lập dự phòng rủi ro.
Anh Ấn -Chủ Cty Kinh doanh Toàn cầu chuyên về thiết bị cơ khí cho biết hiện tại, anh đang vay tín dụng của VP Bank với sản phẩm vay VND lãi suất ngoại tệ. Do có thị trường vẫn đang mua bán được nên mức lãi suất anh trả là 5-6%/năm. “Tuy nhiên, khoản vay này chỉ được 3-6 tháng. Hết 2013 là hết. Thực tế, NH không muốn cho vay dài hơn vì chưa biết lãi suất năm 2014 sẽ ra sao. Dù vậy thì với chúng tôi, được vay với lãi suất này cũng đã là quá tốt. Rủi ro duy nhất của sản phẩm này là nếu tỉ giá có biến động, chúng tôi sẽ phải trả lãi suất tăng thêm. Hiện tại thì tỉ giá đã tăng 1%. Chúng tôi chấp nhận nếu tỉ giá điều chỉnh hết biên độ 3% thì lãi suất chúng tôi phải trả vẫn chỉ ở mức 8-9%. Nếu quá, thì chi phí vốn sẽ rất đắt đỏ”.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, “Sức mua thị trường xuống, cầu thấp, hàng tồn kho cao khiến DN tiếp tục khó khăn. Tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN hiện nay cũng khiến DN nhỏ càng có khoảng cách xa hơn khi cạnh tranh cùng DN lớn để tiếp cận vốn. Bản thân các định chế tài chính dành cho DNNVV cũng không có chiến lược quảng bá tiếp cận tới DN. Trong khi đó quy chế xét cho vay lại quá chặt… Tất cả đều khiến DN khó có thể đưa ra quyết định đầu tư, dù năm 2014 chỉ còn cách nay mấy tháng.
Riêng với hội viên Hội Nhựa Cao su, do năm rồi giá nguyên liệu xuống, DN có lãi chút ít và tất cả đều có khả năng tiếp cận vốn vay nhưng không dám vay. Lãi suất vẫn còn cao, lại buộc phải thế chấp tài sản lớn nên DN rất e ngại”. Ông Anh cũng cho biết tại DN tư nhân Đức Minh của ông, tuy vẫn đang phát triển và tăng trưởng, có lãi, nhưng muốn vay trung hạn thì vẫn phải chấp nhận lãi suất 13-14%/ năm, với biên độ khoảng 4-5%, tức DN có thể bị điều chỉnh lãi suất lên tới 17-18%/ năm nếu có biến động lãi suất điều hành và lạm phát trở lại trong năm tới. Mà kể cả như vậy, DN muốn vay trung hạn cũng bị xét duyệt rất khó khăn. “Về lâu dài, chúng tôi hi vọng lãi suất trung và dài hạn chỉ khoảng 10% là tốt nhất!”.
Có hi vọng?
“Mách nước” DN địa chỉ có thể vay vốn tốt, ông Doãn Thanh Tuấn – Giám đốc Khối DNNVV của VPBank gửi lời khuyên: “DN nên tìm vay các NH có nguồn vốn ưu đãi từ những nhà băng có vốn của JICA, IFC... với lãi suất giảm từ 2-3%”. Tất nhiên, xin nhấn mạnh nguồnvốn này chỉ dành cho những DN “khỏe”. Ông Tuấn cũng cho biết: “Trước mắt, khó khăn vẫn là những vấn đề như tổng cầu suy giảm khiến nhu cầu đầu tư thấp, năng lực sản xuất đi xuống và DN tốt không muốn vay, DN xấu lại không có cơ sở để vay. Quan trọng hơn, mối quan hệ giữa DN và NH đang rất lỏng lẻo. NH có nhu cầu được DN cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, kể cả thông tin tiêu cực thì NH mới có thể đồng lòng cùng DN vượt quá gian khó”.
Kinh nghiệm của ông Phạm Quốc Hưng là DNNVV vẫn có thể tìm vốn qua Quỹ bảo lãnh tín dụng. Chẳng hạn Quỹ bảo lãnh TP HCM có thể thu xếp vốn cho vay hạn mức lên tới 10 tỉ đồng. Hoặc qua nguồn vốn mà TP HCM giải ngân ưu đãi 0% cho các DN theo đối tượng ưu tiên của TP, mà hiện tại vẫn đang còn hạn mức chưa giải ngân hết và cũng chưa có nhiều DN nộp hồ sơ xin vay.
Nghe thì đầy triển vọng nhưng theo nhiều DN, vấn đề vẫn là nếu vay được thì họ đã vay. Hơn nữa, nếu được vay thì nguồn đó sẽ phải trả lãi suất nào, biên độ ra sao, trong trung hạn có bắt buộc phải thế chấp tài sản và lãi suất cao “trên trời”… Trên hết, DN vay để làm gì khi chưa có đầu ra cho sản xuất?
Lời giải cho bài toàn lãi suất – tiếp cận vốn của DN không thể đơn giản và nóng vội”, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói với DĐDN. “Nợ xấu chưa xử lý được. Nhiều DN lâm vào tình trạng nợ cao, khó tiếp cận vốn. Thị trường khó khăn nên nhiều DN dù có tín nhiệm tốt, lãi suất có giảm họ cũng không vay. Còn NH nếu chấp nhận cho vay lãi suất cao với các DN không tốt, làm tăng nợ xấu thì họ thà không cho vay. Nghịch cảnh đó đã kéo dài suốt thời gian và đến nay vẫn chỉ tiếp tục gỡ dần chứ không thể giải quyết được ngay. Tín dụng thì không thể cho vay vô điều kiện. Càng không thể vì phát triển tín dụng và tái lập nợ xấu cao về sau”.
TS Trần Du Lịch: Từ nay đến cuối năm, lãi suất vẫn có thể giảm tiếp song dư địa không còn nhiều, bởi lạm phát kỳ vọng cũng chỉ ở mức 8%. Dư địa để giảm lãi suất còn liên quan đến việc NHNN có chính sách neo tỉ giá như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng dù với chính sách như thế nào thì tỉ giá cũng khó có thể điều chỉnh biên độ lớn, vì mục tiêu hiện nay vẫn là phải điều hành tỉ giá theo hướng phù hợp hỗ trợ DN xuất nhập khẩu và nội địa. Nếu tỉ giá quá cao thì sẽ rất bất lợi. NHNN hoàn toàn có đủ năng lực để giữ tỉ giá trong biến động 3%. Trong trường hợp nền kinh tế có nhanh chóng phục hồi hay không, DN có nên đón đầu nhịp phục hồi này để vay vốn, đầu tư hay không, một bí quyết nho nhỏ ngoài quan sát tổng sức mua trên thị trường, chỉ số công nghiệp – dịch vụ, nên quan sát thêm chỉ số điện năng tiêu thụ hàng tháng. Chỉ số cao, tức sản xuất, dịch vụ, công nghiệp… bắt đầu vào guồng… |
Theo Lê Mỹ