Quỹ bảo lãnh tín dụng: Cầu dẫn vốn đang tắc
Nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng rất cao, nhưng không nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn qua kênh này. Chúng tôi phỏng vấn ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP. Hồ Chí Minh (HCGF) để tìm hiểu vấn đề.
- 10-02-2015Vì sao Quỹ bảo lãnh tín dụng không phát huy hiệu quả?
- 06-12-2014Dự kiến 3 nguyên tắc trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng
Các Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập với mục đích tạo “cầu nối” tín dụng cho các DNNVV. Kỳ vọng này có đạt được khi triển khai vào thực tế không, thưa ông?
Nhằm hỗ trợ các DNNVV tiếp cận tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP và Quyết định 193/2001/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Hiện, toàn quốc đã có hơn 20 quỹ bảo lãnh được thành lập ở các địa phương, nhưng thực tế chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
HCGF được thành lập tháng 10/2006 và đi vào hoạt động năm 2007. Đến nay, HCGF đã thực hiện được tổng số hợp đồng bảo lãnh là 121 hợp đồng, với giá trị 871 tỷ đồng (tổng hạn mức vốn vay 1.457 tỷ đồng). Nếu so với vị thế của TP. Hồ Chí Minh năng động nhất cả nước với nhu cầu vốn vay cao (tổng nhu cầu vay vốn bình quân năm 2014 – 2015 trên địa bàn là 1.347 tỷ đồng) của 266.471 DN, trong đó hơn 90% là DNNVV, thì kết quả đạt được trong những năm qua của HCGF có thể nói là chưa đạt được kỳ vọng đặt ra.
Nhất là từ đầu năm 2014 đến nay, HCGF chỉ chủ yếu thực hiện nghiệp vụ xử lý nợ, cung cấp thông tin, xây dựng phương án tài chính, dự án đầu tư cho các DN chứ hầu như không thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào.
Vậy đâu là vướng mắc khiến cho các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hiện nay hầu như rơi vào tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, trong khi nhu cầu vay vốn của DN cao mà tiếp cận được ít?
Trước thời điểm tháng 10/2015 khi Chính phủ chưa ban hành Quyết định 58/2013/QĐ-TTg, phần lớn các DNNVV khi có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của TCTD về tài sản thế chấp có thể thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng để tiếp cận vốn ngân hàng.
Nhưng với thay đổi tại quy định của Điều 23 (Quyết định 58) muốn được tổ chức bảo lãnh đứng ra bảo lãnh vay vốn, một phần vốn thì các DNNVV cũng bắt buộc phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của bên vay. Đó là chưa nói, trước đó để bảo lãnh cho DNNVV tiếp cận vay vốn, các Quỹ bảo lãnh cũng đều phải thẩm định rất kỹ càng hồ sơ của chủ đầu tư, hồ sơ dự án đầy đủ các yếu tố pháp lý, báo cáo tài chính, không có nợ...
Từ đầu năm 2014 đến nay, HCGF hầu như không thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào
Như vậy, là lại đẩy các DN rơi vào tình trạng phải thẩm định hồ sơ 2 lần, cũng như yêu cầu đặt ra không khác gì khi làm thủ tục vay vốn trực tiếp tại các TCTD, ngân hàng, thưa ông?
Đúng, đây chính là mấu chốt của vấn đề khiến các Quỹ Bảo lãnh tín dụng hiện nay chưa mấy hiệu quả, nếu quy trình thẩm định, yêu cầu về tài sản thế chấp giống như các ngân hàng thì DNNVV đâu cần đến vai trò “cầu nối” của các Quỹ bảo lãnh.
Đó là chưa nói đến tình trạng, đội ngũ nhân sự hiện nay của các Quỹ bảo lãnh cũng chưa đáp ứng được quy trình nghiệp vụ, trong khi dù hoạt động của Quỹ bảo lãnh là phi lợi nhuận, song nếu có rủi ro xảy ra thì Quỹ bảo lãnh tín dụng phải hoàn trả 100% khoản nợ của DN.
Trong cuộc bắt tay 3 bên giữa DN - Quỹ Bảo lãnh tín dụng - ngân hàng thì phần rủi ro chủ yếu nghiêng về phía quỹ bởi tài sản thế chấp nằm trong tay ngân hàng, rủi ro xảy ra quỹ bảo lãnh phải xử lý và hoàn trả 100% nợ xấu, còn lợi nhuận thu về của quỹ là... phi lợi nhuận (phí bảo lãnh tín dụng hiện nay theo quy định hiện hành là 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh, ngoài ra không có bất cứ một khoản phí nào khác). Nên chính những người trong cuộc cũng có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm trong khi những quy định về phối hợp và cơ chế còn nhiều ràng buộc, chưa rõ ràng.
Nếu không sớm tháo gỡ được tình trạng này thì theo ông vai trò và sự tồn tại của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV sẽ không thể phát huy được tác dụng?
Trong thời gian qua, HCGF đã có nhiều văn bản kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của Quỹ bảo lãnh trong quá trình triển khai thực tế khiến vai trò “cầu nối”, kênh dẫn vốn cho DNNVV bị ách tắc. Nhưng đến nay, tất cả vẫn là sự chờ đợi chứ chưa có một quyết định cụ thể nào từ Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề này trong khi các DNNVV vẫn rất mong chờ cơ hội tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng