Sập bẫy ‘cò’ ngân hàng
Không có tiền nhưng muốn có chứng thư bảo lãnh hoặc thư xác nhận tài sản đang có ở ngân hàng, chỉ cần bỏ ra 14%/tổng số tiền muốn xác nhận là "cò" sẽ giải quyết tức thì.
Từ khi có quy định bắt buộc các doanh nghiệp (DN) khi ký hợp đồng giao dịch phải có cam kết “đảm bảo có tài khoản trong ngân hàng” thì hợp đồng mới có hiệu lực, lập tức “cò” chạy chứng thư ngân hàng xuất hiện nhan nhản. “Cò” có đủ mánh khóe khiến nhiều công ty, cá nhân sập bẫy một cách ngoạn mục.
Chi tiền là “OK”
PV đã tham gia lật tẩy một số phi vụ làm chứng thư, trong đó có cả chứng thư giả và chứng thư "nửa giả nửa thật", khiến DN tiền mất tật mang.
Giữa tháng 8, một công ty chuyên về san lấp mặt bằng ở Q.12 (TP.HCM) nhận được gói thầu san lấp mặt bằng ở Q.2 từ một đối tác khác. Trong hợp đồng, hai bên cam kết phải có một chứng thư bảo lãnh ở ngân hàng số tiền 500 triệu đồng thì hợp đồng mới có hiệu lực. Đang trong giai đoạn khó khăn, ông N. được một người tên Hưng giới thiệu một đường dây chuyên làm chứng thư cho các DN có nhu cầu, nhưng với một điều kiện phải chi 14%/tổng số tiền muốn làm chứng thư. Ông N. đồng ý.
Sáng 14.8, Hưng dẫn ông N. đi gặp một người tên Nghĩa. Hai bên thỏa thuận, Nghĩa sẽ làm cho ông N. một chứng thư ngân hàng trị giá 500 triệu đồng với chi phí 70 triệu đồng, đề nghị ứng trước 10 triệu đồng. Do ông N. chỉ mang theo 5 triệu nên Nghĩa nhận tạm, hẹn cuối giờ chiều gặp người trực tiếp làm chứng thư thì đưa thêm 5 triệu đồng còn lại. Khoảng 16 giờ, ông N. gặp Nghĩa, Hưng và một người phụ nữ tên Thảo. Nhận 5 triệu đồng xong, Thảo hứa đúng 11 giờ ngày hôm sau sẽ có chứng thư tài khoản tại ngân hàng trị giá 500 triệu đồng theo đúng tên Đặng Văn Điệp mà ông N. yêu cầu.
Bà An (thứ 2 từ trái qua) trả lời ông N. và ông Điệp: “Dịch vụ làm và dịch vụ rút 500 triệu đồng” - Ảnh: Hoài Nam |
11 giờ ngày 15.8, ông N. tới một quán cà phê trên đường Cao Thắng nối dài, gặp cả Hưng, Nghĩa và Thảo. Sau khi ông N. lấy trong cặp ra 40 triệu đồng đưa cho Thảo, Thảo lấy từ trong giỏ xách ra hai tờ giấy, một tờ là bản photo sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng mang tên Đặng Văn Điệp có xác nhận mộc đỏ của ngân hàng “đã đối chiếu với bản chính”.
Tờ thứ hai là bản chính “Thư xác nhận số dư” mang tên Đặng Văn Điệp với các thông tin “ngày mở tài khoản 14.8.2013, ngày đáo hạn 14.8.2014, số dư 500 triệu đồng”. Toàn bộ đều của Phòng giao dịch Eximbank Nguyễn Sơn (đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú), do Phó giám đốc Phạm Thị Thúy An ký xác nhận.
|
“Dịch vụ làm và dịch vụ rút luôn...”
Thảo hẹn hai ngày sau sẽ có chứng thư bảo lãnh, và dặn ông N. khi đến lấy chứng thư phải đưa đủ 20 triệu đồng còn lại.
Đến hẹn ông N. liên lạc thì Nghĩa và Thảo đều không nghe máy. Nghi ngờ, sáng 20.8 ông N. tự cầm giấy xác nhận số dư 500 triệu đồng đến Phòng giao dịch Eximbank Nguyễn Sơn để làm chứng thư (có giấy xác nhận số dư mới làm được chứng thư). Tại đây, bà Phó giám đốc Phạm Thị Thúy An cho biết: “Thư xác nhận số dư” là thật, nhưng muốn làm chứng thư phải có mặt ông Điệp là chủ tài khoản.
Yên tâm vì “Thư xác nhận số dư” là thật, ông N. gọi ông Đặng Văn Điệp (người ông N. nhờ đứng tên tài khoản) tới ngân hàng. Khoảng 13 giờ 30 ngày 20.8, ông N. cùng ông Điệp vào Phòng giao dịch Eximbank Nguyễn Sơn định làm chứng thư. Đưa tờ giấy “xác nhận số dư”, nữ nhân viên kiểm tra một hồi, bất ngờ cho biết: “Đã có người rút hết tiền trong tài khoản của ông Điệp rồi nên không làm được chứng thư bảo lãnh”. Ông Điệp thắc mắc: “Tôi là chủ tài khoản, tôi không tới ngân hàng rút thì ai rút của tôi?”. Bà An trả lời là “dịch vụ làm và dịch vụ rút luôn...”. “Vậy dịch vụ là ai, tôi không ký thì ai rút của tôi được?” - ông Điệp tiếp tục thắc mắc. “Chỉ khi nào công an yêu cầu chúng tôi mới cung cấp được” - bà An tuyên bố.
Không còn cách nào khác, ông N. truy tìm người tên Thảo để hỏi về số tiền mà ông đã đưa thì Thảo nói: “Tiền đó phải chi cho cán bộ ngân hàng thì họ mới làm xác nhận cho, tôi chỉ được tiền cà phê thôi...” (trích băng ghi âm).
PV Thanh Niên tìm đến Chi nhánh Eximbank Cộng Hòa (nơi quản lý chi nhánh Nguyễn Sơn) để tìm hiểu vụ việc, đại diện Eximbank trả lời: “Sau khi kiểm tra thông tin trên mạng về khách hàng Đặng Văn Điệp thì quy trình mở tài khoản và rút đều đúng với quy trình của Eximbank”.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Ông Điệp không hề tới ngân hàng thì việc mở sổ tiết kiệm có số dư 500 triệu đồng và ông Điệp cũng không hề rút số tiền này nhưng Phòng giao dịch Nguyễn Sơn lại nói ông Điệp rút có chữ ký sống của ông Điệp thì đúng hay sai?”, đại diện chi nhánh Eximbank Cộng Hòa nhìn nhận như vậy là sai hoàn toàn.
Chứng thư 50 tỉ đồng giả Đầu năm 2013, ông T. giám đốc một công ty ở An Giang thỏa thuận giao cho công ty của ông N. thi công một phần công trình san lấp dự án nhà máy chế biến thủy hải sản ở H.An Phú (An Giang). Để làm tin, ông T. đưa ra một hợp đồng mà công ty ông này ký kết với chủ đầu tư, trong đó có cam kết công ty ông T. phải có chứng thư bảo lãnh 50 tỉ đồng. Rồi ông T. nói thêm: “Hiện chứng thư bảo lãnh 50 tỉ cho công ty đã có, nhưng để lấy được chứng thư này về thì phải chi cho cán bộ ngân hàng 100 triệu đồng”. Tin tưởng, ông N. đưa cho ông T. 100 triệu đồng vào buổi sáng, thì cuối giờ chiều ông T. đưa ra một thư “Bảo lãnh thanh toán” của Ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ, với nội dung ACB bảo lãnh số tiền 50 tỉ đồng trong thời hạn từ ngày 5.3.2013 đến ngày 5.9.2013. Trước khi đưa máy móc xuống An Giang thi công công trình, ông N. cẩn thận tới Ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ xác minh thì mới tá hỏa bởi ACB xác nhận chứng thư này là giả mạo, đồng thời phía ACB cũng báo công an vào cuộc điều tra. |
Theo Hoài Nam