Sắp diễn ra một làn sóng cắt giảm lãi suất huy động?
Kết quả khảo sát tại 23 ngân hàng cho thấy, thực tế trong thời gian gần đây, một số ngân hàng đã âm thầm điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Liệu rằng sắp tới có diễn ra thành một làn sóng ồ ạt?
- 09-08-2015Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động
- 01-07-2015Lãi suất huy động kỳ hạn dài phổ biến 6,4 – 7,2%/năm
- 28-06-2015Lãi suất huy động tăng: Con dao hai lưỡi?
Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bắt đầu xuất hiện một vài ngân hàng trong tuần cuối tháng 7 điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,1- 0,3%/năm ở các kỳ hạn.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 23 ngân hàng, kết quả cho thấy đúng là trên thực tế, một số ngân hàng đã âm thầm điều chỉnh giảm lãi suất huy động, bao gồm: Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank).
So với cuộc khảo sát của chúng tôi cách đây 2 tháng, hầu hết các ngân hàng đều giữ nguyên hoặc tăng mức lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng, trong khi đó lại điều chỉnh giảm các kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 0,2-0,4%.
Cụ thể, kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng, NCB giảm từ 0,2-0,3%, VPBank giảm 0,2-0,4%. LienVietPostBank giảm 0,05-0,1% từ kỳ hạn 9 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong 2 tháng qua tuy nhiên chỉ ở kỳ hạn ngắn. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn từ 1- 3 tháng được nới thêm với mức điều chỉnh tăng 0,2-0,3%.
Còn lại, một số ngân hàng giữ nguyên từ cuối đợt tăng đó cho đến nay như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Tháng 8, nên gửi tiền ngân hàng nào?
Theo thống kê, trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang là ngân hàng trả lãi thấp nhất trong tất cả các kỳ hạn từ 36 tháng trở xuống.
Trong khi đó, các ngân hàng Bac A Bank, VietCapital Bank, NCB, TPBank luôn là những ngân hàng niêm yết biểu lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.
Lãi suất huy động 1 tháng thấp nhất là 4%.
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 2 tháng đang dao động từ 4,15%-5,3%.
NCB là ngân hàng trả lãi cao nhất với các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng.
Ở kỳ hạn 6 tháng, Bac A Bank và VietCapital Bank đều niêm yết lãi suất 6,2% - cao nhất trong số các ngân hàng được khảo sát.
Tiếp tục ở kỳ hạn 9 tháng, hai vị trí dẫn đầu vẫn là VietCapital Bank và Bac A Bank.
Ở kỳ hạn 1 năm, TPBank vươn lên dẫn đầu với lãi suất 7,45%/năm, trong khi thấp nhất là VIB với lãi suất 5,7%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất tại TPbank là áp dụng đối với những khoản tiền gửi tái tục có số tiền từ 100 tỷ đồng trở lên và cam kết không rút trước hạn.
Dân kém mặn mà gửi tiết kiệm
Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay cũng chỉ còn quanh mức 7%/năm, chỉ bằng một nửa so với cách đây 3 năm, thì việc gửi tiền tiết kiệm chỉ được xem như là phương án an toàn, có sinh lời nhưng chưa phải là kênh hấp dẫn nhất tại thời điểm hiện tại.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, kết quả cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD giảm khoảng 11% so với kết quả khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong khi đó, thị trường vàng liên tục biến động mạnh, cầm vàng trong lúc này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong 7 tháng đầu năm mỗi lượng vàng nắm giữ cũng lỗ gần 2 triệu đồng. Hơn nữa, tình hình giá USD vẫn rất căng thẳng,trước nhiều đồn đoán trước việc điều chỉnh nới biên độ hay không? Vậy mà lượng tiền nhàn rỗi của dân cư gửi vào hệ thống ngân hàng lại giảm. Vậy họ đang đầu tư vào đâu?
Phát biểu với báo chí gần đây, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng nguồn vốn tiền gửi ngân hàng đang có sự dịch chuyển sang lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và các món giải ngân tín dụng bắt đầu tập trung rút vốn.
Lãi suất tiết kiệm vốn đã kém hấp dẫn cộng với động thái các ngân hàng đang quay trở lại cắt giảm lãi suất huy động lần này sẽ khiến người dân càng kém mặn mà gửi tiết kiệm và mang tiền đi đầu tư các kênh khác.