MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập DN: Nguy cơ rủi ro lũng đoạn

12-03-2014 - 17:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh những lợi ích được biết đến thì việc sáp nhập giữa các DN còn có thể mang đến nguy cơ bành trướng, lũng đoạn…

- Thông tin ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Sacombank đang lan khắp thị trường. Ông có cho rằng đây sẽ là một thương vụ sáp nhập tốt cho hoạt động tái cơ cấu hệ thống các nhà băng?

Với điều kiện phải đặt dưới mục tiêu sáp nhập là để phát triển chiến lược của 2 ngân hàng hậu sáp nhập, không phải đặt lên trên hết quyền lợi của một hoặc vài nhóm cổ đông. Trong trường hợp vì quyền lợi của một hoặc vài nhóm cổ đông thì chưa chắc thị trường đã được hưởng lợi mà còn dẫn đến nguy cơ lũng đoạn thị trường tài chính và lúc đó trách nhiệm rất lớn sẽ thuộc về các cổ đông lớn cùng với trách nhiệm giám sát thị trường sẽ thuộc về các cơ quan quản lí thị trường.

- Có rào cản nào đáng ngại đối với thương vụ Sacombank và Southern Bank nói riêng, và các thương vụ M&A nói chung, đang được đặt ra, thưa ông?

Sở hữu chéo là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Theo quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD và một tổ chức không được sở hữu quá 15%. Do đó tình trạng cổ đông và nhóm cổ đông, tổ chức có liên quan vượt quá các tỷ lệ quy định để dễ bề thâu tóm ngân hàng là có thể xảy ra. Nếu thực sự có sự nhập nhằng trong sở hữu chéo sẽ tạo điều kiện cho các cổ đông có sở hữu, thâu tóm một ngân hàng.

Trong trường hợp này, nếu Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank có thể sẽ giúp giảm bớt tình trạng sở hữu chéo phức tạp. Nhưng mặt khác cơ quan quản lí lại cũng cần phải kiểm soát kĩ để tránh chuyện 2 ngân hàng có những Cty con khác nhau mà việc sáp nhập sẽ khiến người chủ ngân hàng được tăng cường quyền lực qua các Cty con, gây bất lợi cho hoạt động minh bạch của chính ngân hàng.

- Có vẻ như quản lí điều này cũng là một thách thức, vì thực tế hệ thống nhà băng Việt mới đang ở giai đoạn đầu của việc tiến hành xử lý sở hữu chéo...?

Thật sự không khó. Ở Mỹ, khi các cổ đông mua cổ phiếu của một ngân hàng, phải tuyên thệ trước pháp luật và khai đúng sự thật về việc các Cty có liên quan, những người có liên quan như cha, mẹ, chồng, vợ, con, cháu, chú, bác, cô, dì, anh, em… đang sở hữu cổ phần ở những ngân hàng, cty có liên quan ngân hàng. Nếu khai không đúng sự thật mà bị điều tra hoặc bị cáo giác sự thật, sẽ bị pháp luật xử lí nặng. Các nhà đầu tư ở Mỹ sợ phạm luật nên tự giác khai báo các bên có liên quan trong việc mua cổ phiếu ở ngân hàng. Ở VN không có thông lệ này, do đó vẫn phải phụ thuộc cơ quan quản lí điều tra và phát hiện những trường hợp sở hữu chéo không hợp pháp.

- Theo ông, nếu Southern Bank sáp nhập Sacombank, thì cổ đông Eximbank có lợi hay không?

Theo như tôi hiểu thì trường hợp giữa Sacombank và Southern Bank là hợp tác đầu tư vốn, còn giữa Sacombank và Eximbank là hợp tác kinh doanh. Hai con đường này khác nhau và vì thế sẽ không mâu thuẫn nhau. Eximbank vẫn có thể hưởng lợi từ sự hợp tác đầu tư giữa Sacombank và Southern Bank.

- Đặt giả thiết là một người kinh doanh nhà băng, ông cho rằng một nhà đầu tư lớn sẽ muốn góp vốn sở hữu ở một ngân hàng lớn, hay muốn hiện diện hoặc “giấu mình” ở nhiều ngân hàng?

Tất nhiên, với những người chủ ngân hàng, về phương diện kỹ thuật, góp vốn ở hai, ba ngân hàng sẽ có lợi hơn một. Chẳng hạn các ông chủ ngân hàng sẽ có thêm lợi thế vay vốn, không cho Cty con ở ngân hàng này vay được thì có thể đẩy sang ngân hàng kia cho vay, hoặc bán một món nợ xấu của ngân hàng cho ngân hàng kia để sau đó nhận lại một món nợ tương ứng từ ngân hàng thứ hai và trên cơ sở đó làm mất vết nợ xấu và tránh trích lập dự phòng rủi ro. Ở VN do không có quy định mức tối đa một cá nhân được góp vốn tại tất cả các ngân hàng gộp lại nên cứ dưới 5%, các cá nhân có thể góp vốn ở nhiều ngân hàng khác nhau hoặc ủy thác đứng tên đầu tư để sở hữu cổ phần tại nhiều ngân hàng. Do đó, việc sở hữu thêm nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ càng thêm lợi.

Dưới một góc cạnh khác, có một ngân hàng lớn, đủ sức cạnh tranh và dẫn đầu thị trường sẽ là điều mà các nhà kinh doanh luôn mơ ước. Và để thực hiện điều đó thì không có phương thức nào nhanh chóng và hiệu quả cho bằng mua lại cổ phần của một ngân hàng đang dẫn đầu thị trường. Vấn đề như đã nói, điều quan trọng nhất trong việc đầu tư vào ngân hàng, dưới hình thức này hay hình thức khác, là ngân hàng phải không chỉ đem lợi ích đến cho một vài nhóm cổ đông mà phải mang đến quyền lợi cho tất cả các cổ đông, tức quyền lợi thụ hưởng hiệu quả kinh doanh từ ngân hàng đó mang lại.

- Vậy cuối cùng theo ông, còn tồn tại những rủi ro bất ngờ nào trong sáp nhập một ngân hàng ở VN?

Nợ xấu. Thật sự có khá nhiều rủi ro nhưng hậu sáp nhập một ngân hàng thường xuất hiện rủi ro bất ngờ nhất là tài sản nợ xấu thực tế sẽ tăng cao hơn nhiều lần so với thẩm định ban đầu của sáp nhập. Đó là do các cổ đông trong quá trình xem xét sáp nhập không được thực sự kiểm tra và điều tra số lượng và bản chất của khối nợ xấu tại ngân hàng được nhận sáp nhập. Kiểm toán độc lập ở ta cũng không đảm bảo được sự thông suốt và minh bạch. Vì vậy, chỉ khi sáp nhập xong nợ xấu mới… lòi ra. Đây sẽ là rủi ro mà nếu có, các ngân hàng chủ trì việc sáp nhập sẽ phải tốn thêm chi phí, thời gian mới có thể xử lí được, trong khi nếu biết được trước thì họ có thể chủ động hơn, giảm được chi phí và thời gian.

Tuy nhiên có thể do tính toán nào đó của những nhà đầu tư và các ngân hàng muốn thực hiện thành công một thương vụ M&A đã chấp nhận rủi ro về chất lượng tài sản của ngân hàng bị sáp nhập.

- Xin cảm ơn ông!


Theo My Nguyễn

hangnt

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên