Sáp nhập NHTM - Mối lo của các "ông lớn"
Dù vấp phải nhiều phản đối trước đó, song cuộc hợp hôn giữa Sacombank - Southernbank và Eximbank - Nam A Bank lại đi đến cái kết khá thuận lợi, mở ra cơ hội hình thành những ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn hóa lớn tương đương NH quốc doanh.
- 14-07-2015Sau sáp nhập, Sacombank sẽ mở rộng mạng lưới ra phía Bắc
- 14-07-2015Số phận ngân hàng nhỏ trước làn sóng sáp nhập?
- 13-07-2015Bị sáp nhập có khi là lợi thế
- 11-07-2015Cổ đông Sacombank đồng thuận nhận sáp nhập Southern Bank
- 03-07-2015Hệ thống ngân hàng sau sáp nhập sẽ ra sao?
Thay đổi nhanh bất ngờ
Sáng ngày 11/7, Sacombank tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2015, có đến 93,7% cổ đông tham gia và đồng ý kế hoạch sáp nhập Sacombank và Southernbank. Dự kiến quý IV/2015, hai NH sẽ hoàn tất thủ tục sáp nhập.
Kết quả này khá bất ngờ vì trước đó, khi Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ để thông qua phương án sáp nhập với Southernbank bị cổ đông phản đối dữ dội.
Lý do cổ đông không đồng thuận là sau sáp nhập, Sacombank phải gánh chịu những phát sinh tài chính vì hoạt động kinh doanh của Southernbank gần đây không hiệu quả.
Tỷ lệ nợ xấu của Southernbank vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10/7 ở mức cao (tháng 6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%).
Qua đó, sau sáp nhập, việc trích lập dự phòng của Sacombank tăng đột biến sẽ kéo giảm lợi nhuận năm 2015. Đối với cổ đông, sáp nhập sẽ khiến cho giá trị cổ phiếu của Sacombank bị pha loãng, ít nhất trong 2 năm tiếp theo...
Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, sau khi được nghe báo cáo từ lãnh đạo Sacombank, ý kiến của cổ đông lớn là ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Eximbank) về lợi ích sáp nhập, cổ đông quay ra ủng hộ tuyệt đối.
Thương vụ M&A của Nam A Bank và Eximbank cũng vậy. Suốt thời gian qua, thị trường quan ngại thương vụ này khó có thể thành công vì Nam A Bank nhỏ hơn hẳn so với Eximbank.
Chưa kể, những thông tin về chuyện có "nhà tài trợ" vốn để Nam A Bank mua cổ phần đã bị NH Nhà nước "chặn" nên sáp nhập chỉ là tin đồn.
Tuy nhiên, mới đây, đã có văn bản đóng dấu đi kèm chữ ký của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, xác nhận trong một biên bản họp nhóm giữa các cổ đông của Eximbank, đã dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 8,2% vốn điều lệ của Eximbank, tương đương 101,2 triệu cổ phiếu, cho một cá nhân xuất thân từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ.
Như vậy, băn khoăn bấy lâu nay của thị trường về việc vì sao trong một thời gian ngắn một số nhóm nhà đầu tư đã kịp dồn hơn 20% cổ phần của Eximbank nắm giữ ít nhất trong vòng 6 tháng cho hai ứng cử viên của Nam Á, mặc dù từ trước đến thời điểm tháng 3/2015, Nam Á không hề sở hữu cổ phần Eximbank, đã được giải tỏa.
Những ngân hàng thương mại "vốn cực lớn"
Rõ ràng, việc sáp nhập của 2 NH đã đi đến hồi kết, thị trường tài chính chuẩn bị đón nhận những NH sau sáp nhập có vốn hóa lớn tương đương NH quốc doanh.
Đơn cử, theo lãnh đạo của Sacombank, sau sáp nhập, Sacombank trở thành NH có mức tăng trưởng vượt bậc sau quy mô, thuộc top 5 NHTMCP lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể, vốn điều lệ của Sacombank đạt 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động lên 567 điểm giao dịch và số lượng nhân viên 15.510 người.
Về hoạt động kinh doanh, hai NH Sacombank và Southernbank có lợi thế nhất định.
Đó là, Sacombank có thể nâng cao năng lực quản trị điều hành và quản trị rủi ro, đồng thời ngân hàng này còn có thể gia tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường, giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Sacombank có thể tăng khả năng khai thác thị trường bán lẻ miền Tây Nam Bộ.
Ngược lại, Southernbank sau sáp nhập sẽ tăng hiệu quả kinh doanh và được thừa hưởng sự hỗ trợ về công nghệ từ Sacombank.
Nam A Bank cũng vậy, sau khi hợp nhất với Eximbank, thị trường sẽ đón nhận sự tăng trưởng trở lại của một NH có vị thế như Eximbank trong tương lai là không cần phải bàn cãi.
Suy cho cùng, việc sáp nhập thêm với Nam A Bank, sẽ giúp tăng thêm đáng kể quy mô giao dịch.
Hiện tại, cả hai NH cùng hướng về mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ. Trong mảng bán lẻ, có hai yếu tố quan trọng là số lượng điểm bán và thương hiệu thì Nam A Bank và Eximbank đều có lợi thế. Theo đó, trong giai đoạn hậu sáp nhập, ngân hàng mới này sẽ tiếp tục mở rộng thêm chi nhánh để cạnh tranh thị phần.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau khi 2 thương vụ sáp nhập trên đi vào giai đoạn hoàn chỉnh, "bản đồ thị phần trong ngành tài chính sẽ được vẽ lại".
Bởi lúc này, quy mô của 2 NHTMCP mới là rất lớn. Chưa kể, với lợi thế đã niêm yết trên sàn, cả Eximbank và Sacombank tiếp tục có những cuộc chạy đua tăng trưởng để hút vốn đầu tư.
Rõ ràng, con đường để đi đến M&A giữa hai NH này còn rất dài. Nhưng khi thương vụ đã được xác lập, sẽ lại thêm một bài học dành cho các NH lớn: Nếu không cẩn thận, những NHTMCP sau hợp nhất tạo ra sức mạnh đủ sức cạnh tranh với những NH lớn nhất.