MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết cho vay ngoại tệ, ngân hàng và doanh nghiệp làm sao?

30-03-2016 - 11:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau ngày 31-3, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi chuyển thành VND để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Sau ngày 31-3, theo thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi chuyển thành VND để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Riêng những doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ vẫn được cho vay bằng ngoại tệ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng việc cho vay ngoại tệ trước đây của NHNN nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong điều kiện tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất VND cao.

Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng tín dụng đã thuận lợi, kinh tế phục hồi, lãi suất cho vay VND đã giảm rất nhiều nên ngân hàng ngưng cho vay ngoại tệ. “Trước đây quy định này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vì vay USD lãi suất thấp hơn rất nhiều so với VND, thậm chí có thời điểm lãi suất vay USD chỉ bằng 1/3 so với lãi suất vay VND.

Tuy nhiên, trong lộ trình chống đôla hóa, đối tượng vay ngoại tệ buộc phải siết lại, sau khi hạ lãi suất huy động USD về 0% để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ. Việc siết cho vay ngoại tệ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp do chi phí vay vốn cao lên. Tuy nhiên cũng phải chấp nhận vì phải theo xu thế” - ông Minh nói.

Trước thời điểm này, một số ngân hàng cho biết đã “đối phó” bằng cách cho khách hàng đăng ký nhu cầu và sẽ chốt nhu cầu trước ngày 31-3. Như vậy, coi như đã có cam kết của ngân hàng phát sinh trước thời điểm thông tư 24 có hiệu lực, NHNN không thể hồi tố được, nhằm giữ chân khách hàng.

“Ngoài ra, nếu khách hàng lớn chịu vay VND, lãi suất phải thật thấp, thậm chí âm vào giá vốn của ngân hàng nhằm giữ khách để hưởng các dịch vụ khác” - giám đốc một ngân hàng nói. Vị này cũng bày tỏ lo lắng về khả năng các doanh nghiệp sẽ chuyển sang giao dịch với các ngân hàng nước ngoài để được vay ngoại tệ, khi đó ngân hàng nội sẽ đánh mất lợi thế của mình.

Cũng theo các ngân hàng, sau khi lãi suất USD giảm về mức 0%, các ngân hàng huy động USD rất khó khăn.

Khách hàng không đồng ý gửi, buộc ngân hàng phải đưa ra nhiều ưu đãi như tặng quà, tặng thẻ VIP tại sân golf, tặng voucher bay hàng chục triệu đồng, kèm ưu đãi tại các phòng chờ của rất nhiều sân bay trên thế giới..., thậm chí phải chi ngoài để hút USD.

“Nếu không chấp nhận chi ngoài, khách hàng không những rút USD mà rút cả tiền tiết kiệm bằng VND” - giám đốc một ngân hàng cho biết.

* Ông Bùi Quốc Dũng 
(vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước):

Chỉ cho vay 
phục vụ nhu cầu thanh toán

Trước đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế khó khăn, NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp được vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để mua máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, sau đó xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ.

Đây là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện đã ấm hơn, tín dụng tăng trưởng tốt, nên NHNN thắt lại việc cho vay ngoại tệ với những đối tượng này.

Như vậy, việc ngừng cho vay ngoại tệ chỉ áp dụng với những doanh nghiệp không có nhu cầu thanh toán ngoại tệ. Còn những đối tượng khác như vay để nhập khẩu xăng dầu, để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đảm bảo nguồn ngoại tệ để trả nợ... vẫn được vay ngoại tệ bình thường.

* Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia ngân hàng):

Xuất khẩu 
sẽ gặp khó

Thời gian qua, đối tượng được vay ngoại tệ để bán ra tiền đồng là những doanh nghiệp xuất khẩu với nhu cầu vay vốn rất lớn.

Nếu không được vay ngoại tệ nữa, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải vay tiền đồng, đẩy nhu cầu tiền đồng tăng lên, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, nhất là những ngân hàng gặp khó trong thanh khoản.

Chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ cũng sẽ tác động đến xuất khẩu của VN, bởi chi phí vốn tăng (chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VND từ 6-9%/năm), khiến giá thành hàng xuất khẩu tăng, khả năng cạnh tranh giảm.

* Ông Trần Việt Anh 
(tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn):

Cần phân biệt loại hình doanh nghiệp được vay ngoại tệ

Thông tư này quy định không cho vay ngoại tệ để thanh toán nội địa, theo tôi là không hợp lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu đều có nguồn thu ngoại tệ để trả các khoản ngoại tệ đã vay khi mua nguyên nhiên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất.

Nếu NHNN e ngại doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi chuyển đổi sang VND 
để thanh toán trong nước 
thì cứ phân biệt rõ ra, đồng thời có biện pháp xử lý. Nếu NHNN quản lý tốt, đâu có gì phải e ngại.

* Ông Nguyễn Thanh Trung (tổng giám đốc Công ty CP tôn Đông Á):

Nếu cấm thì phải thích nghi thôi

Tôi hiểu chủ trương chống đôla hóa của NHNN là rất cần thiết, giảm phần nào rủi ro cho doanh nghiệp trong các tình huống thị trường ngoại tệ biến động. Tuy nhiên, NHNN nên có chính sách phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, vì doanh nghiệp xuất khẩu có chiến lược thị trường khác hoàn toàn với doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần mua nguyên vật liệu trong nước để sản xuất. Nếu bắt chúng tôi phải vay VND để mua nguyên liệu trong nước, trong khi chúng tôi cũng có nguồn thu từ ngoại tệ liệu có lãng phí thời gian và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp không?

L.THANH 
- T.V.NGHI ghi

Theo Ánh Hồng

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên