MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số liệu về nợ xấu ngày càng... xấu

27-04-2014 - 17:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo thanh tra NHNN, nợ xấu hiện khoảng 9,71% nếu không tính đến phân loại theo QĐ 780. UBGSTCQG cũng khẳng định nợ xấu từ 9 - 10%.

Con số thực tế nợ xấu của Việt Nam vẫn luôn là mối băn khoăn của mọi người khi có quá nhiều số liệu được đưa ra mà các số liệu này luôn không giống nhau.

Trong buổi họp báo thường kỳ của NHNN ngày 25/04/2014, ông Đào Quang Tính – phó chánh thanh tra giám sát lý giải việc này là do “cách hiểu”.

Cụ thể, cuối 2012, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 3,86% tương đương với 122.000 tỷ. Có con số này là do trong tình hình nền kinh tế khó khăn, các TCTD thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo QĐ 780 cơ cấu lại những khoản nợ (lẽ ra đã là nợ xấu). Còn nếu không thực hiện phân loại theo QĐ 780 thì tại cuối tháng 2/2014, nợ xấu sẽ tăng thêm 185.000 tỷ, cộng lại là 307.000 tỷ tương đương 9,71%.

Nhận định của thanh tra giám sát NHNN cũng giống với nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Tại buổi công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2013, dự báo 2014, cơ quan này đã đưa ra thông tin: Nợ xấu được kiểm soát và có giảm nhưng vẫn đang ở mức từ 9-10%.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 01/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 – 3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 7%.

Các tổ chức nước ngoài thường đánh giá nợ xấu của Việt Nam cao hơn rất nhiều, chẳng hạn Moody's cho rằng tỷ lệ là 15%.

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng – phó phó chủ tịch thường trực của VAMC cho biết, tính đến nay VAMC đã mua được 35.000 tỷ nợ xấu với giá trị nợ gốc là trên 45.000 tỷ. Và cho đến nay, VAMC mới thu hồi được 420 tỷ đồng từ khoản nợ đã mua.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 vừa tổ chức tuần qua, hai “ông lớn” ngân hàng là Vietcombank và BIDV đều công bố những con số khá “sốc” về nợ xấu và dự phòng.

Theo lãnh đạo BIDV, năm 2013 ngân hàng này đã bán khoảng 1.400 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và dự định bán tiếp hơn 2.000 tỷ nữa trong năm 2014. Số tiền dành cho dự phòng rủi ro 2014 của BIDV dự kiến lên tới 9.000 tỷ đồng, gấp rưỡi so với lợi nhuận.

Còn tại Vietcombank, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Thành cho biết nếu áp dụng theo quyết định 493 và Thông tư 02 thay thế thông tư 02 thì Vietcombank sẽ phải tăng trích lập dự phòng thêm 800 đến 1.000 tỷ đồng. Dự kiến năm nay ngân hàng cũng sẽ bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.


Tuấn Thành

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên