MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự bế tắc của VAMC

23-12-2014 - 18:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2014, có đến một nửa số nợ đã thu hồi của VAMC là do khách hàng “tự nguyện trả”, có nghĩa là lẽ ra các tổ chức tín dụng đã có thể thu hồi được nợ mà chẳng cần đến, hay thông qua VAMC làm gì, trừ khi các khách hàng “tự nguyện” này sợ "cái oai" của VAMC.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Mới đây, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết từ khi triển khai mua bán nợ đến nay họ đã mua được 107.000 tỷ đồng nợ xấu từ nhiều ngân hàng (riêng năm 2014 đã mua được 67.000 tỷ đồng). Mặt khác, VAMC mới chỉ thu được 4.000 tỷ đồng từ việc bán/thu hồi nợ năm 2014, mặc dù đã vượt so với kế hoạch là 2.500 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trong kết quả thu nợ, bán nợ của 2014, có khoảng 50% là những khoản nợ khách hàng đã tự nguyện trả, còn lại 50% là VAMC cùng với tổ chức tín dụng bán tài sản đảm bảo.

Như vậy, có thể thấy về bản chất, VAMC vẫn chỉ là một nơi nhận và giữ nợ hộ cho các tổ chức tín dụng, khi mà con số nợ thu hồi lại được chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số nợ đã nhận. Không những vậy, đến một nửa số nợ đã thu hồi lại là do khách hàng “tự nguyện trả”, có nghĩa là lẽ ra các tổ chức tín dụng đã có thể thu hồi được nợ mà chẳng cần đến, hay thông qua VAMC làm gì, trừ khi các khách hàng “tự nguyện” này sợ "cái oai" của VAMC (nếu có) mà phải tự nguyện trả. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh nguyên nhân là VAMC chỉ chọn mua những món nợ “ngon”, làm cho nhiều tổ chức tín dụng được báo cáo là e dè, miễn cưỡng phải bán nợ xấu cho VAMC theo quy định.

Nói về giải pháp giải quyết số nợ đã mua về, VAMC cho biết họ tiến hành phân loại nợ, cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ làm sao cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, trường hợp không thể cơ cấu lại nợ thì mới tiến hành bán nợ, bán tài sản.

Nếu chỉ có vậy, người ta sẽ sẽ khó mà thấy được vai trò thiết yếu của VAMC trong việc giải quyết nợ xấu. Bản thân các tổ chức tín dụng chắc chắn đã, đang và sẽ tiếp tục làm những việc như thế này, và như thế thì sự tham gia của VAMC có chăng chỉ làm rối thêm sự việc, và tất nhiên là tốn kém thêm cho các tổ chức tín dụng chủ nợ vì mọi chi phí xử lý nợ xấu của VAMC rốt cuộc đều được cấn trừ vào giá trị còn lại của nợ xấu, trong khi các tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho VAMC vẫn phải có trách nhiệm trích lập dự phòng và tiếp tục xử lý những khoản nợ xấu này.

Và trong việc bán nợ, bán tài sản – điểm nghẽn của việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam, đến ngay VAMC cũng đang gặp bế tắc khi họ thừa nhận rằng Việt Nam hiện chưa có thị trường mua bán nợ, mới đang manh nha lập thị trường mua bán nợ. Ngoài ra, tuy VAMC nhấn mạnh rằng muốn lập thị trường mua bán nợ thì họ sẽ là đơn vị tiên phong đứng ra thực hiện việc này, nhưng ngay cả ở điểm này ta cũng khó thấy được vai trò và sự cần thiết của VAMC. Vì, rõ ràng việc thành lập thị trường mua bán nợ xấu chỉ là việc ban hành các luật lệ và khuôn khổ pháp lý để một thị trường như thế ra đời, và để mọi đối tượng nào đáp ứng được các yêu cầu tham gia trên thị trường này, và có nhu cầu thì sẽ được phép tham gia và hoạt động mua bán trên thị trường đó.

Nói cách khác, VAMC không phải là cơ quan lập pháp hay quản lý chức năng, mà chỉ đơn thuần là một chủ thể tương lai tham gia trên thị trường mua bán nợ xấu sau này (nếu có), và, bởi vậy, sự “tiên phong” của VAMC vừa là điều không cần thiết, vừa nằm ngoài thầm quyền của họ. Tất nhiên, VAMC vẫn có thể có, vẫn có thể đóng vai trò là tổ chức tư vấn cho nhà nước trong việc thành lập thị trường mua bán nợ xấu, nhưng cũng chỉ đến thế thôi, và việc tư vấn này thì nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng có thể đảm nhận (tốt hơn) được.

Trong thời điểm hiện tại, VAMC đang có kế hoạch xây dựng được một danh mục tài sản và giới thiệu danh mục tài sản (nợ xấu cần thanh lý) đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Họ cho biết khi hoạt động mua bán nợ bắt đầu sôi nổi thì sẽ đề nghị cơ chế để hình thành thị trường mua bán nợ. Về điểm này, có thể thấy ngay được sự bế tắc và mâu thuẫn trong định hướng này. Việc xây dựng và giới thiệu danh mục tài sản là điều cần thiết và đương nhiên phải làm với mọi tổ chức có nợ xấu. Nhưng do chưa có thị trường mua bán nợ xấu và chưa có (đầy đủ) những quy định pháp lý về mua bán, sở hữu tài sản nợ xấu, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài, thì hoạt động mua bán không thể nào kỳ vọng sẽ bắt đầu, và “sôi nổi” được cả.

Ngoài ra, VAMC cho biết trong thời gian tới, họ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch mua bán nợ theo cơ chế thị trường để hòa đồng vào cùng với việc mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, dẫn đến hình thành dần thị trường mua bán nợ.

Về điểm này, trước hết lại có thể thấy ngay sự không cần thiết khi VAMC được thiết kế ra chỉ để mua bán nợ theo giá trị sổ sách (còn lại sau khi trừ đi chi phí dự phòng) và bằng trái phiếu đặc biệt, là một “sáng kiến” riêng của Việt Nam, là một "điểm cộng". Nay nếu vì thấy chức năng chính này của VAMC không hữu hiệu trên thực tế mà buộc phải rót thêm tiền từ ngân sách để hoạt động lấn sân sang việc mua nợ xấu bằng “tiền tươi thóc thật” để sự tồn tại của VAMC có ý nghĩa hơn, thì việc này chỉ là một hành động mang tính “chữa cháy”, không phù hợp và xác đáng, vì không cần đến VAMC (và tiền của ngân sách rót vào đó), các tổ chức tín dụng và các công ty quản lý tài sản của họ (AMC) vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục mua bán nợ xấu bằng tiền, theo giá thị trường. Vậy thì hãy khuyến khích sự ra đời và tích cực hoạt động hơn nữa của các AMC, các tổ chức và cá nhân mua bán nợ xấu, bên cạnh VAMC (với chức năng đúng như thiết kế ban đầu, và không tốn một đồng ngân sách nào), trên một thị trường mua bán nợ xấu có tổ chức.

Việc biến hóa chức năng VAMC thêm nữa sao cho sự tồn tại và hoạt động có ý nghĩa hơn cũng sẽ chỉ làm phát sinh thêm những rủi ro khác bắt nguồn từ việc VAMC có quyền quyết định mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt theo giá sổ sách, hoặc bằng tiền theo giá thị trường. Việc được phép thực hiện đồng thời 2 chức năng này nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ tạo rủi ro lớn.



TS. Phan Minh Ngọc

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên