Sửa Bộ Luật Hình sự: “Án lệ” bầu Kiên vẫn chưa thể khép?
Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng Bộ Luật Hình sự sửa đổi vẫn chưa thể kết tội được Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) do quy định vẫn chưa rõ ràng.
- 19-05-2015“Ma trận” sở hữu chéo: Hạn chế thế nào?
- 21-01-2015Tái cơ cấu ngân hàng 2015: Đích ngắm nằm ở sở hữu chéo
Tòa án có thể kết tội cũng đúng mà không kết tội cũng không sai.
Trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, có điều 210, Mục B quy định tội vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, những quy định này chỉ điều chỉnh cấp dưới. Khi những ông chủ ngân hàng làm sai như trường hợp dùng tiền đầu tư vào sân sau của ACB, vụ án bầu Kiên, Hà Văn Thắm của OceanBank, Ngân hàng Xây dựng… thì lại không thể kết tội do những quy định trong luật chưa rõ ràng.
Vẫn chưa thể khép tội cho bầu Kiên?
“Đây là vấn đề phải tính. Ví như trường hợp của bầu Kiên, nếu theo quy định của pháp luật thì không sai, nhưng hậu quả xảy ra gây thiệt hại cho nhà nước là có. Thế nên cần phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu ngân hàng”, ông Thảo bình luận.
Ông Thảo cho rằng tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong ngân hàng khá phổ biến trong thời gian qua. Lẽ ra tiền ngân hàng huy động từ dân nhằm để phục vụ cho sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
“Nhưng thay vì cho vay ra nền kinh tế, ngân hàng này lại cho ngân hàng kia vay, đẩy mạnh cho vay “sân sau” rồi lại lấy lãi của khoản vay đó để ăn chia. Thực chất của vấn đề này là số tiền đó không sinh lời trên thực tế. Vấn đề này trong Bộ Luật Hình sự chưa quy định. Vậy nên mới có chuyện có thể kết tội bầu Kiên cũng được, mà tuyên vô tội cũng không sai”, ông Thảo bình luận.
Ông Thảo cho rằng quy định như vậy là chưa thật chặt chẽ. “Với quy định này thì tòa có thể tuyên vô tội cũng được mà có tội cũng được. Nhiều trường hợp, nếu không được định lượng rõ ràng có thể xảy ra hiện tượng lách luật của cán bộ tòa, sự móc nối của người đi vay, cho vay…”, ông Thảo phân tích.
Ngoài ra, ông Thảo còn cho rằng, với quy định tại điều 210, hoạt động của các TCTD sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cho vay tín chấp do những quy định chưa rõ ràng khiến họ có nguy cơ bị khép vào tội hình sự.
Trên thực tế, hoạt động tín dụng của các TCTD hiện nay đang khá nhập nhèm khó quyết định là quan hệ dân sự hay hình sự.
Ông Thảo đề nghị nên để quan hệ tín dụng ngân hàng nên thiên về hợp đồng dân sự, không nên hình sự hóa vì nó nghiêm trọng quá. Cần quy định cụ thể mức thiệt hại bao nhiêu thì mới chuyển sang hình sự. Mục đích chính là thu hồi lại được tài sản.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết hiện có rất nhiều trường hợp cố tình chuyển từ quan hệ hình sự sang dân sự.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
“Tức là người ta lừa đảo trong đi vay, khi người bị lừa đảo phát hiện ra định làm ầm lên thì họ xin lỗi, làm giấy biên nhận đang vay tiền và hẹn ngày cụ thể sẽ trả tiền. Với những trường hợp này, khi được phát hiện chuyển sang tòa án thì quan hệ hình sự sẽ chuyển sang dân sự”, đại biểu Kiên nhấn mạnh.
Ông Kiên cho rằng rõ ràng người bị lừa đảo không hề biết và thực tế đây là quan hệ hình sự, nhưng vì tờ giấy biên nhận kia mà nó được chuyển thành quan hệ dân sự và tính chất sự việc cũng vì thế mà khác đi.
“Hiện tượng này vẫn đang diễn ra trong cuộc sống và trong các TCTD. Nhiều người lợi dụng danh nghĩa của TCTD để làm việc đó”, ông Kiên nhấn mạnh.
Ngân hàng sợ bị hình sự hóa hoạt động tín dụng?
Câu chuyện ở đây là vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản. Cán bộ tín dụng ngân hàng cho vay sai, trên thực tế họ không phải là người xâm hữu tài sản mà là người vi phạm quy trình, cơ chế làm việc nên đã gây thất thoát thiệt hại tài sản cho công ty.
“Vấn đề nằm ở chỗ này. Chiếu theo quy định thì dù làm thất thoát nhiều hay ít thì cũng chỉ bị quy trách nhiệm như nhau. Nhưng vấn đề nghiêm trọng hay không lại ở chỗ đó. Khoản vay đó có thu hồi được hay không? Nếu làm trái quy định mà thu hồi được thì sẽ bị xử thế nào? Cho vay ít mà không thu hồi được thì xử ra sao? Nhưng nếu quy định bao nhiêu thì người đi vay và cho vay có thể sẽ lách luật”, đại biểu Thảo đặt vấn đề.
Ví dụ, nếu quy định cho vay sai phạm 1 tỷ đồng sẽ bị xử phạt, thì người đi vay và cho vay có thể chỉ vay 900 triệu đồng trở xuống.
“Quy định kiểu gì cũng khó. Nhưng nếu đưa được vào trong luật là tốt nhất. Lâu nay việc định lượng này là tòa án tối cao đưa ra hướng dẫn để các tòa thực hiện. Nhưng tùy vào từng trường hợp cụ thể mà xác định bao nhiêu thì bị coi là nghiêm trọng. Vậy nên hiện nay nhiều ngân hàng đang lo ngại bị hình sự hóa hoạt động tín dụng nên không dám đẩy mạnh cho vay tín chấp”, ông Thảo bình luận.
Theo ông Thảo, nền kinh tế hiện nay đang rất cần vốn và nhiều ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cho vay tín chấp trong điều kiện khó cho vay vốn. Việc quy định không rõ ràng như hiện nay khiến nhiều ngân hàng lo ngại.
“Cần có những quy định rõ ràng cho hoạt động cho vay và đi vay dễ dàng hơn trong quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Nhưng phải ngăn chặn sự lợi dụng của hai bên, nếu dễ qua thì bên đi vay dễ lợi dụng để chiếm đoạt tiền, còn nhân viên ngân hàng thì lạm dụng để làm lợi cho mình”, ông Thảo cảnh báo.
Bàn về điều 210, đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng đề nghị cần minh bạch có ranh giới rõ ràng về các khái niệm. Điều 210 của dự thảo luật lần này phân định hậu quả vi phạm thành “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”.
Đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
“Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hậu quả thế nào là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”. Trong trường hợp cấp tín dụng không có đảm bảo, do đó dễ dẫn đến lỗi của một số TCTD, cá nhân trong hoạt động cấp tín dụng không có đảm bảo, mới chỉ đến mức hành chính thì đã bị khởi tố hình sự.
Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản khuyến khích các TCTD tăng cường cho vay tín chấp, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Do thiếu quy định hướng dẫn nên nhiều TCTD còn lúng túng, e ngại việc cho vay tín chấp, dẫn đến một số chủ trương lớn của nhà nước trong thực hiện gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu Quý bình luận.