MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sức khỏe" của Tài chính Vinaconex trước ngày sáp nhập vào SHB

22-10-2015 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi nhận sáp nhập Habubank, nay SHB lại tiếp tục mua thêm một công ty tài chính có tình hình không mấy tốt đẹp với hy vọng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Theo đề án nhận sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel (VVF) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa công bố, tình hình kinh doanh của VVF liên tục đi xuống trong thời gian gần đây.

Sau khi tăng trưởng khởi sắc vào năm 2011, VVF bắt đầu hoạt động không hiệu quả thông qua khối tài sản liên tục tăng trưởng âm. Đến năm 2014, tổng tài sản của công ty này giảm 55% còn 1.150 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2015, quy mô tổng tài sản của VVF là 1.230 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận của VVF cũng liên tục trượt dốc kể từ năm 2011. Đến năm 2014, lỗ sau thuế của VVF là 12,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của VVF là sự gia tăng của chi phí dự phòng cho các khoản trái phiếu và tiền gửi quá hạn và chi phí dự phòng cho vay khách hàng.

Tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 70%

Tỷ lệ nợ xấu của VVF tăng mạnh trong 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014, điển hình là năm 2014, tỷ lệ nợ xấu lên đến ngưỡng 70,12% và giảm còn 35,25% vào cuối tháng 6 năm nay. Tuy nhiên nếu xét số tuyệt đối thì nợ xấu của VVF tương đối nhỏ do quy mô dư nợ của VVF giảm dần qua các năm.

Trong Đề án, SHB cũng đã lưu ý đến việc lãnh đạo của VVF và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm tiếp tục phối hợp SHB xử lý, thu hồi các khoản nợ tồn đọng, nợ xấu của VVF sau sáp nhập vào SHB ( đặc biệt là khoản VVF đầu tư mua trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina được Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) bảo lãnh).

Vào tháng 11/2012, thị trường nổi lên vụ tranh chấp giữa VFF và SeABank về việc thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Tập đoàn Vina Megastar.

Trái phiếu của Tập đoàn Vina Megastar đã đến hạn, nhưng công ty này không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho VVF. Căn cứ thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, Vinaconex - Viettel yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận vì SeABank cho rằng chứng thư bảo lãnh này trái pháp luật.

Nhận định về VVF, theo SHB, VVF hoạt động với quy mô tương đối nhỏ so với SHB, do vậy việc sáp nhập VVF vào SHB sẽ không tác động lớn đến các tổ chức hoạt động kinh doanh của SHB. Mô hình tổ chức, mạng lưới, nhân sự và các thành viên HĐQT, ban điều hành không có sự thay đổi.

Dự kiến, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau sáp nhập sẽ đạt 1.120 tỷ đồng năm 2015, 1.391 tỷ đồng năm 2016 và 1.596 tỷ đồng vào năm 2017.

Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, trả lời chất vấn về việc sáp nhập công ty tài chính Vinaconex - Viettel, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB cho biết, giá trị tài sản và lợi nhuận của của VVF khi sáp nhập vào SHB cao hơn mệnh giá 10.000 đồng chính vì thế đây là món “hời” mà SHB “may mắn” có được.

Người đứng đầu ngân hàng SHB đã ví von hóm hỉnh “VVF như một cô gái đẹp, lành mạnh được SHB ‘cưới’ về và ngay sau khi ‘cô con dâu” VVF về SHB đã có lãi luôn. Việc cho vay tài chính tiêu dùng của SHB phát triển mạnh trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào công ty tài chính tiêu dùng này. Hiện đã có nhiều đối tác nước ngoài đã đến ‘dạm ngõ’ và quan tâm nhất là ‘cô con dâu’ mới này nhưng SHB thể hiện quan điểm là phải xây dựng và đầu tư để công ty tài chính tiêu dùng này thật sự lớn mạnh rồi mới tính đến chuyện ‘gả bán’...” Ông Hiển khẳng định, tỷ lệ hoán đổi khi sáp nhập 1:1 là hoàn toàn phù hợp.

Trước đây khi nhận sáp nhập với Habubank, tỷ lệ nợ xấu của SHB ở mức thấp (năm 2010 là 1,4%, 2011 là 2,23%). Sau khi sáp nhập, tỷ lệ này đã tăng lên 8,81% vào năm 2012, tuy nhiên đã giảm xuống còn 4,06% vào năm 2013. Tại thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ này là 2,48%. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 của SHB là 1.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank do nhận sáp nhập là 26 tỷ đồng.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên