MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tách bạch hoàn toàn NHTM và ngân hàng đầu tư chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất

18-01-2013 - 11:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Thua lỗ từ hoạt động đầu tư của bản thân ngân hàng cũng như của các công ty con trong mảng chứng khoán đã phần nào gây tổn thương cho ngân hàng mẹ

Việc tách bạch chức năng của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư là một chủ đề tranh luận kéo dài tại các quốc gia phát triển và đặc biệt khi thị trường tài chính đi vào khủng hoảng thì vẫn đề này càng được thảo luận nhiều hơn.

Ông Mạc Quang Huy – Tác giả của cuốn Ngân hàng Đầu tư thì cho rằng, về lý thuyết, việc tách bạch chức năng của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư sẽ làm tăng mức độ an toàn đối với ngân hàng thương mại đặc biệt khi mảng ngân hàng đầu tư có rủi ro cao bị thua lỗ, đồng thời giúp ngăn chặn việc phát sinh những mâu thuẫn lợi ích giữa hai hoạt động này.

Bản thân, nước Mỹ trước đây họ cũng đã tách bạch hai hoạt động này thông qua Luật Glass-Steagall năm 1933, song họ đã thay thế bằng Luật Gramm–Leach–Bliley năm 1999 cho phép hình thành những ngân hàng tổng hợp (universal bank).

Dưới tác động khủng hoảng tài chính 2008, họ lại ban hành Luật Dodd-Frank 2010 hạn chế các hoạt động rủi ro của ngân hàng thương mại, thay vì việc tái ban hành Luật Glass-Steagall như lời kêu gọi của một số nhà chuyên môn.

Ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

Các hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam hiện nay (hoạt động chứng khoán, quản lý quỹ và hoạt động đầu tư) mới ở giai đoạn sơ khai. Một số ngân hàng thương mại có các công ty con là các công ty chứng khoán hay các công ty quản lý quỹ.

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính những năm gần đây, thua lỗ từ hoạt động đầu tư của bản thân ngân hàng cũng như của các công ty con trong mảng chứng khoán đã phần nào gây tổn thương cho ngân hàng mẹ, mặc dù ở mức độ thấp, chưa gây rủi ro cho hệ thống. Các mâu thuẫn lợi ích giữa hai mảng ngân hàng này theo tôi vẫn ở mức thấp.

Dưới góc nhìn chuyên môn, tôi cho rằng các ý kiến về việc tách bạch chức năng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư không phải không có lý.

Tuy nhiên, việc tách bạch hoàn toàn chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất và duy nhất. Nói cách khác, việc tách bạch hai hoạt động này nên ở mức độ tương đối.

Ông có thể cho biết vì sao chỉ nên tách bạch ở mức độ tương đối hay không?

Việc cho phép ngân hàng thương mại duy trì các hoạt động ngân hàng đầu tư cũng có những điểm lợi cho cả ngân hàng và khách hàng mà cơ quan chức năng cần cân nhắc.

Thay vào đó, chúng ta có thể tìm hiểu những rủi ro phát sinh của việc không tách bạch và từ đó đưa ra những quy định hạn chế trong trường hợp không tách bạch.

Ví dụ như, nếu các ngân hàng đầu tư chỉ tham gia làm dịch vụ với các chức năng trung gian thu phí như nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán, thực hiện mua bán phục vụ yêu cầu của khách hàng (flow-trading), dịch vụ tư vấn ngân hàng đầu tư thì rủi ro thua lỗ tài chính cũng như mâu thuẫn lợi ích là không lớn.

Các ngân hàng đầu tư quốc tế lớn cũng như các công ty chứng khoán tại Việt Nam thua lỗ lớn trong thời kỳ khủng hoảng chủ yếu quá sa đà vào các hoạt động tự doanh và nắm giữ danh mục quá lớn những sản phẩm tài chính phức tạp trong khi các cơ chế giám sát chưa đủ mạnh.

Bản thân Quy định Volcker của Luật Dodd-Frank 2010 của Mỹ ra đời cũng đã tập trung vào việc đưa ra những hạn chế về tự doanh đối với các ngân hàng thương mại và công ty tài chính.

Nhưng ông có cho rằng, nếu có thì việc tách bạch vai trò giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư ở Việt Nam cũng không hề dễ dàng hay không?

Về lý thuyết, việc tách bạch hoàn toàn chức năng vai trò ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư tại Việt Nam hoàn toàn có thể làm được bằng cách yêu cầu các ngân hàng thương mại thoái vốn các danh mục đầu tư tự doanh cũng như thoái vốn tại các công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ.

Tuy nhiên, như nói ở trên, việc tách bạch hoàn toàn chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất và duy nhất.

Thay vào đó, chúng ta có thể đưa ra những quy định hạn chế đối với hoạt động của ngân hàng thương mại trong mảng ngân hàng đầu tư, đặc biệt là đầu tư tự doanh vào các tài sản có tính thanh khoản thấp.

Ở góc độ quy định của các văn bản pháp luật thì ông có nghĩ rằng Việt Nam đã có những quy định chặt về việc tách bạch này hay không?

Thực tế thì Việt Nam cũng có rất nhiều các quy định khá chặt để tách bạch một cách tương đối hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Cụ thể là các quy định hạn chế đầu tư đối với cả ngân hàng thương mại cũng như công ty chứng khoán thông qua các quy định về an toàn vốn tối thiểu.

Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định các ngân hàng thương mại phải tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất trong đó có các công ty con hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Thông tư 13 đưa ra các giới hạn góp vốn đầu tư, đồng thời nhắc lại việc chặn liên thông bơm vốn từ ngân hàng thương mại sang ngân hàng đầu tư: Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định đầy đủ về tỷ lệ an toàn vốn của các công ty chứng khoán, qua đó hạn chế các hoạt động rủi ro của các công ty chứng khoán.

Gần đây nhất, Thông tư 210/2012/TT-BTC ra đời ngày 30/11/2012 tiếp tục thắt chặt hoạt động đầu tư của các công ty chứng khoán (Điều 44).

Việc lách luật để cho vay và đầu tư trá hình thông qua các hoạt động “ủy thác đầu tư” cũng đã được các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng và các cơ quan chức năng để ý và nhắc nhở.

Nếu không tách bạch thì những rủi ro mà Việt Nam sẽ gặp phải là gì, thưa ông?

Những rủi ro của việc không tách bạch chủ yếu liên quan đến sự an toàn tài chính của ngân hàng thương mại trong trường hợp hoạt động ngân hàng đầu tư thua lỗ và việc phát sinh các mâu thuẫn lợi ích giữa hai hoạt động.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, việc tách bạch các hoạt động này cũng chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả ngăn chặn được các mâu thuẫn lợi ích. Đây là một vấn đề nhạy cảm và tương đối khó giải quyết, kể cả trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

hanhle

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên