Tái cơ cấu ngân hàng: Cần cái nhìn thấu đáo
Đã có nhiều người đánh giá cao công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng cũng có người cho rằng triển khai còn chậm.
Ông có cho rằng tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng lần này là một bước ngoặt lớn trong tiến trình đổi mới hoạt động ngân hàng, hay chỉ là một cải cách mạnh mẽ để duy trì sự ổn định, ngăn ngừa đổ vỡ và khủng hoảng vừa qua?
- Theo tôi thì cần phải hiểu theo cả 2 nghĩa đó mới đầy đủ. Quá trình đổi mới và phát triển ngân hàng theo cơ chế thị trường với sự ra đời hệ thống ngân hàng 2 cấp từ năm 1988 đến nay đã trên 25 năm và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu trên các mặt.
Quá trình đó cũng đã có rất nhiều những cải cách, có những tích cực nhằm hoàn thiện, mở rộng và phát triển, những cũng có những cải cách để sửa chữa sai lầm và khắc phục đổ vỡ, tuy rằng ở những mức độ và phạm vi khác nhau trong những thời điểm khác nhau.
Ví dụ, trước 1990 chúng ta cũng đã xử lý hàng loạt những khó khăn phức tạp để lại cho nền kinh tế và xã hội khi mô hình HTX tín dụng đổ vỡ; giai đoạn 1991-1999, chuyển đổi các ngân hàng chuyên doanh thành NHTM đa năng, thay đổi mô hình HTX tín dụng thành hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân như hiện nay; Giai đoạn 1999-2011 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt NHTMCP đô thị, chuyển đổi từ NHTMCP nông thôn lên đô thị…Ngay trong giai đoạn này cũng có một số ngân hàng đổ vỡ, hậu quả giải quyết hết sức khó khăn, như NHTMCP Nam Đô, Việt Hoa, Châu Á Thái Bình Dương…
Trở lại bối cảnh của tái cơ cấu lần này, chúng ta đều biết, trước thời điểm 2012, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã lan rộng. Nhiều ngân hàng Mỹ có lịch sử hàng trăm năm hoạt động cũng sụp đổ.Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007, hội nhập sâu rộng các lĩnh vực, đương nhiên chịu tác động của cơn bão khủng hoảng này. Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng luôn đóng vai trò lớn nhất (nếu như không muốn nói là chủ yếu) đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trong mấy chục năm qua.
Thế nhưng mặt trái của nó với những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước và đặc biệt là hậu quả của một thời kỳ phát triển “bong bóng” bất động sản, chứng khoán và tín dụng những năm 2005-2007 để lại, đã dồn tích lên vai các NHTM mà biểu hiện rõ nét là rủi ro tín dụng tiềm ẩn cao, nợ xấu liên quan đến bất động sản tăng nhanh. Mặt khác, kinh tế thị trường thì ngày càng năng động,hệ thống NHTM phát triển và mở rộng quá nhanh cả về quy mô và các loại hình nghiệp vụ.
Trong khi đó, bản thân các NHTM năng lực quản trị có nhiều bất cập so với thực tiễn đặt ra, năng lực tài chính thiếu tương xứng với quy mô, tốc độ gia tăng tài sản Có,tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cho vay vượt quá khả năng nguồn vốn cả về khối lượng và cơ cấu thời hạn; Nhiều DN phụ thuộc chủ yếu vốn tín dụng ngân hàng, hiệu quả kinh doanh thấp, tài chính kém lành mạnh, kinh doanh đa ngành nghề thiếu sự quản lý; Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ không theo kịp, thiếu đồng bộ; Hệ thống thanh tra, giám sát chuyên ngành cũng còn yếu…
Đây đều là những tác nhân tạo ra “hiểm họa khôn lường”đối với hệ thống NHTM. Quá trình tích tụ này, đến một lúc vượt quá sức chịu đựng của nó, thì tất yếu sẽ “bùng nổ”, đổ vỡ và có thể bao trùm lên toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Với cái nhìn toàn diện, thấu đáo đó, ngay từ cuối năm 2011 NHNN mà trước hết Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thực sự quyết liệt, mạnh dạn công khai thông tin về thực trạng tình hình để đặt ngay nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách xuyên suốt của toàn ngành phải tập trung tái cơ cấu toàn diện lại hệ thống các NHTM, kể cả các TCTD nhỏ, đồng thời thiết lập một trật tự kỷ cương trong quản lý và điều hành thị trường tiền tệ.
Đây là một quyết định có tính thời điểm quan trọng, nếu không bản lĩnh để “tháo van ngòi nổ” (cho dù phải động chạm đến lợi ích cục bộ của một nhóm người kinh doanh ngân hàng lúc đó), thì hiểm họa từ việc đổ vỡ chỉ cần một vài ngân hàng nhỏ với hiệu ứng lan truyền nhạy cảm cũng đủ làm khủng hoảng tài chính và mất ổn định kinh tế, xã hội ở mức độ cao, và tôi cũng không lường hết hậu quả sẽ ra sao!
Tái cơ cấu cũng đã đi được một chặng đường đầu, xin ông nói rõ về cái giá phải trả cho tái cơ cấu?
- Bất cứ cuộc cải cách nào cũng phải trả giá. Chúng ta nhớ lại những năm trước đây cơ cấu lại kinh tế HTX theo mô hình toàn xã thì bao nhiêu tài sản như nhà kho, sân phơi, hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập thể đã mất đi, những khoản nợ vay ngân hàng về sức kéo, thủy lợi, chi phí con giống, phân bón… đều khoanh nợ lại và cuối cùng là xóa. Cái giá phải trả cho sự đổ vỡ mô hình HTX tín dụng trước đây cũng không phải là nhỏ, hàng chục năm sau giải quyết chưa xong tiền gửi của dân và các khoản nợ.
Riêng cái giá phải trả cho tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để ổn định hệ thống tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng đã diến ra ở nhiều nước trên Thế giới là rất đắt. Nước Mỹ đã phải bỏ ra bao công sức trí tuệ, tiền của để cơ cấu ổn định lại hệ thống tài chính, trong đó chủ yếu là hệ thống ngân hàng.Tổng chi phí để cứu khu vực tài chính thông qua chương trình TROULED ASSET RELIEF PROGRAM là 431 tỷ đô la Mỹ, để cứu thị trường Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải bơm ra 03 gói giải cứu thị trường thông qua công cụ tiền tệ (QE) khoảng 4,5 nghìn tỷ USD. Cạnh chúng ta, cuộc khủng hoảng 1997, Thái Lan cũng phải chi ra tới 17,75 tỷ đô la Mỹ để cứu khu vực tài chính, sau đó thu lại được thông qua việc bán nợ là 28%, thiệt hại khoảng 12,7 tỷ đô la Mỹ.
Trong bối cảnh của đất nước ta, nguồn lực hết sức khó khăn, yêu cầu không để được đỗ vỡ, đảm bảo sự ổn định để từng bước khắc phục luôn là nhiệm vụ quan trọng được quán triệt, NHNN đã đề xuất những nội dung phải tái cơ cấu với một lộ trình, mà bao hàm trong đó là tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị và các giải pháp khôn ngoan để hạn chế thấp nhất những tổn thất, nhất là những nguồn lực của nhà nước vàquyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, không chấp nhận những tổn thất về mặt tài chính, thì cũng phải đánh đổi chấp nhận về mặt thời gian, cũng có nghĩa là phải từng bước cơ cấu lại, với phương châm ổn định, chắc chắn và hiệu quả. Ví dụ, chúng ta không dùng nguồn tiền ngân sách để xử lý được nợ xấu ngay như các nước, mà bản thân các NHTM phải tự giải quyết bằng việc trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm cho các khoản nợ đó. Nguồn lực tự trích lập rủi ro từ hệ thống ngân hàng, ngay một lúc không có được mà cần phải có thời gian để tích lũy.
Đó được xem như cách làm riêng của Việt Nam, nó đang được thực tiễn chứng minh là một hướng đi đúng, phù hợp điều kiện thực tế của chúng ta. Tóm lại, đã là tái cơ cấu thì cũng ít nhiều phải trả giá, phải có chấp nhận những hy sinh, mất mát. Nhưng những mất mát đó trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế, của bản thân các NHTM và trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Là một trong 3 trụ cột tái cơ cấu của nền kinh tế, theo ông tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhanh hơn hay chậm hơn tái cơ cấu trụ cột khác?
- Theo tôi không nên đặt vấn đề so sánh chi ly là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhanh hơn hay chậm hơn so tái cơ cấu các trụ cột khác là đầu tư công và DNNN. Chúng ta cần nhìn toàn diện, nền kinh tế bao gồm 4 khu vực có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau: khu vực sản xuất thực, khu vực chính phủ, khu vực đối ngoại và khu vực tài chính, ngân hàng.
Trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô thì nó được biểu hiện thông qua 4 tài khoản của quốc gia, gồm: tài khoản GDP thực, tài khoản thu chi chính phủ (ngân sách), tài khoản cán cân thanh toán và tài khoản cân đối tiền tệ. Về mặt nguyên lý kế toán thì chỉ cần một tài khoản này có biến động lập tức tác động lên tài khoản khác. Vì vậy, điều hành kinh tế vĩ mô phải bảo đảm sự nhất quán, đồng bộ giữa 4 tài khoản này.
Bạn có thể thấy: Đầu tư công, DNNN và Ngân hàng là những chủ thể của nền kinh tế, có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng, khách quan theo các quy luật vận động của nền kinh tế. Vì thế, tái cơ cấu đầu tư công là thuộc khu vực chính phủ, tái cơ cấu DNNN là thuộc khu vực sản xuất thực, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thuộc khu vực tài chính, chúng phải có sự ràng buộc và phụ thuộc nhau rất nhiều trong quá trình vận động.
Sự đan xen như vậy có thể thấy, có lúc trụ cột này đi trước nhưng có lúc trụ cột khác phải đẩy nhanh hơn, nhưng quan trọng nhất là phải rất tổng thể, đồng bộ và nhất quán. Chính vì thế, chúng tôi muốn đẩy nhanh hơn tái cơ cấu ngân hàng cũng không thể được nếu các trụ cột kia đi chậm. Sự lệch pha trong việc ra quyết định chính sách sẽ tác độnglên tổng thể cân đối chung của nền kinh tế. Bài học về điều hành giá dịch vụ y tế tháng 9/2012 do chưa phối hợp tốt đã đẩy CPI lên cao và ngay lập tức đã phải điều chỉnh.
Việt Nam đã có được những gì từ bước đầu tái cơ cấu hệ thống NHTM và tái cơ cấu nền kinh tế?
Thành quả bước đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho bước đi tiếp theo. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong lĩnh vực đầu tư công được quản lý chặt chẽ, Luật đầu tư công đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 2014; Luật đấu thầu cũng đã có hiệu lực và được thế giới đánh giá cao; quản lý trần nợ công được Quốc hội giám sát và Chính phủ điều hành chặt chẽ. Tái cơ cấu DNNN được triển khai quyết liệt, thoái vốn đầu tư ngoài ngành được triển khai đồng bộ…
Kết quả về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể nhìn thấy rõ nét trên phương diện điều hành chính sách tiền tệ: lãi suất giảm nhanh, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng cao, thị trường vàng được kiểm soát tốt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được triển khai quyết liệt phối hợp đồng bộ với tháo gỡ khó khăn về thuế, phí; hệ thống các NHTM đã thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ của thời điểm 2011 đầu năm 2012, nhất là đối với một số NHTM nhỏ; thanh khoản cải thiện mạnh, tiến đến dồi dào và chủ động cân đối vốn; nợ xấu được tích cực xử lý bằng nội lực của các ngân hàng; khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế được mở rộng theo hướng ổn định; năng lực quản trị và năng lực tài chính một số ngân hàng tăng lên; thông tin về hoạt động của hệ thống ngân hàng ngày một minh bạch hơn.
Những đóng góp quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và công cuộc tái cơ cấu ngân hàng cùng với 2 trụ cột về tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DNNN đã là điểm số quan trọng để Fitch Ratings nâng điểm xếp hạng quốc gia của Việt Nam trong thời gian vừa qua lên BB-. Thành quả đó cũng đã có hiệu quả tức thì khi chúng ta phát hành trái phiếu quốc tế đạt kết quả tích cực với mức phát hành 1 tỷ USD nhưng các nhà đầu tư đã đăng ký gấp hơn 10 lần. Mức lãi suất là 4,8%/năm so với mức trên 6%/năm trước đây tiết kiệm hàng chục triệu USD cho quốc gia.
Tôi nghĩ rằng, thành quả bước đầu là quan trọng, nhưng tất cả còn đang ở phía trước. Chúng ta không chủ quan và công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn đang cần những quyết sách đột phá, không ngừng sáng tạo và vẫn cần cái nhìn toàn diện, thấu đáo mới có thể đạt được như kỳ vọng.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!