MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản ngân hàng giảm do “động tác kỹ thuật”?

20-04-2014 - 21:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng tài sản của ngân hàng tháng 2-2014 đã giảm 1,24%, còn tín dụng giảm 1,2% so với đầu năm. Vì sao?

Năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt 12,52%, đạt mục tiêu 12% của NHNN đề ra. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là đến cuối tháng 11-2013 tín dụng mới chỉ tăng 8,21%. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng cuối năm ngân hàng đã bơm ra nền kinh 133.373 tỉ đồng, tương đương tăng 4%. Xét theo lĩnh vực, thì tín dụng thương mại và tín dụng cho công nghiệp tăng mạnh nhất trong tháng cuối năm.

Trong các ngân hàng, Vietcombank đã gây bất ngờ khi cho vay tăng mạnh vào cuối năm. Tính đến cuối tháng 7-2013, tín dụng Vietcombank vẫn tăng trưởng âm nhưng lại cán mốc 14,5% trong năm 2013. Đặc biệt, chỉ trong hai tháng cuối năm ngân hàng này đã giải ngân mạnh cho một loạt doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước như Tổng công ty Khoan thăm dò khai thác dầu khí, tập đoàn Cao su, tập đoàn Điện lực, tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, tập đoàn Viễn thông Quân đội, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines…

Đối nghịch với việc tín dụng tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm 2013 là việc tín dụng lần lượt giảm 0,55% và 0,65% trong hai tháng đầu năm nay. Cùng với việc tín dụng giảm, tổng tài sản của các ngân hàng cũng giảm 1,24%. Trong đó, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm tới 2,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm 2,44%, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng 4,91%. Như vậy, tài sản của ngân hàng trong hai tháng đầu năm giảm bất chấp vốn huy động trong nền kinh tế tăng gần 2%.

Tài sản ngân hàng giảm trong khi huy động tăng do một số nguyên nhân như hoạt động cho vay giảm, trả cổ tức, thua lỗ hoặc các hoạt động cho vay liên ngân hàng giảm. Trong đó có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất chính là hoạt động cho vay giảm. Cụ thể, tín dụng trong hai tháng đầu năm giảm 1,2%, tương đương 46.952 tỉ đồng. Bên cạnh đó, có thể một phần do các ngân hàng thua lỗ hoặc đã trả cổ tức làm vốn chủ sở hữu giảm (vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,56%).

Trước đó, năm 2012 và 2013, tín dụng trong hai tháng đầu năm cũng giảm. Một số ý kiến cho rằng tín dụng giảm một phần do tính chu kỳ và phần khác do tình hình kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là một trong những lý do. Việc tín dụng tăng bất thường trong những tháng cuối năm và giảm bất thường trong những tháng đầu năm có mối liên hệ nào khác chăng.

Trao đổi với người viết, một lãnh đạo ngân hàng cho biết thông thường các ngân hàng sử dụng “kỹ thuật” để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm để đạt chỉ tiêu. Giám đốc chi nhánh nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hoặc huy động thì lương thưởng sẽ bị giảm, thậm chí mất chức. Do đó họ thường ký hợp đồng tín dụng khống với khách hàng và sau đó tất toán ngay trong đầu năm.

Như vậy, phải chăng việc tổng tài sản ngân hàng, tín dụng trong hai tháng đầu năm giảm chủ yếu do yếu tố mang tính “kỹ thuật”.













Theo Phương Lam

loanlt

thoibaonganhang.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên