MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng sức hấp thụ vốn: Cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn

30-05-2013 - 09:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ CSTT cho rằng: Để góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường.

Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đi vào cuộc sống gần 6 tháng. NHNN là một trong những cơ quan giữ “vị trí” khá quan trọng trong việc thực thi Nghị quyết này và đến nay đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Xoay quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng. Bà cho biết:

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, NHNN đã vào cuộc hết sức khẩn trương, thể hiện bằng việc Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 01/TT-NHNN, trong đó giao nhiệm vụ hết sức cụ thể cho các đơn vị trực thuộc NHNN, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố cũng như các TCTD.

Đến nay, có thể nói mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, khoảng từ 2-4%/năm so với đầu năm. Các DN vay mới với lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-12%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt chỉ từ 7-8%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.

Đáng chú ý là, đối với các khoản vay cũ, các DN cũng được các TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về tối đa không quá 15%/năm. Đến nay, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 12,9%, giảm mạnh so với mức khoảng 65% vào thời điểm trước 15/7/2012. Và trong thời gian tới, lãi suất sẽ tiếp tục giảm sau động thái 4 NHTM Nhà nước cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm kể từ đầu tháng 5.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, cho phép các tổ chức này được tiếp tục cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn sử dụng trong nước để phục vụ cho các dự án xuất khẩu và cho vay để nhập khẩu xăng dầu đến hết năm 2013.

Đồng thời, để nắm bắt thực tế khó khăn của các DN, NHNN đã tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc với các Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan ở các tỉnh, thành phố, phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và DN. Đáng chú ý là để tháo gỡ nút thắt gây khó khăn trong quan hệ tín dụng của DN với ngân hàng, NHNN đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.

Từ khi triển khai đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 280 nghìn tỷ đồng, điều đó cũng có nghĩa là các TCTD đã tạo điều kiện cho nhiều DN tiếp tục có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng. Thêm vào đó, mới đây, NHNN đã lùi thời hạn hiệu lực của Thông tư 02/TT-NHNN, theo đó Quyết định số 780 tiếp tục được thực hiện đến 1/6/2014.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, NHNN cũng đã tích cực đánh giá thực trạng của nợ xấu, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro. Trong năm 2012 các TCTD đã xử lý khoảng 69.200 tỷ đồng nợ xấu và trong 3 tháng đầu năm 2013 đã xử lý thêm khoảng 5.480 tỷ đồng.

Cùng với đó, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) do NHNN trình Chính phủ ban hành mới đây, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu.

Về lý thuyết, lãi suất giảm đồng nghĩa với việc DN sẽ vay vốn nhiều hơn và tín dụng sẽ gia tăng. Nhưng đến thời điểm này vốn vẫn chưa chảy mạnh vào nền kinh tế. Tại sao lại như vậy, thưa bà?

Theo tôi, mấu chốt của vấn đề cần được nhìn nhận qua các nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, do sức hấp thụ vốn của DN thấp, đầu ra cho thị trường bị tắc nghẽn, tổng cầu yếu. Thứ hai, nhiều DN không có khả năng trả nợ, không có dự án kinh doanh khả thi, không chứng minh được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ, nhiều DN còn nợ đọng tại các TCTD… Thứ ba, các TCTD có sự thận trọng trong việc cấp tín dụng khi nợ xấu còn cao, DN chưa chứng minh được khả năng trả nợ trong khi không còn tài sản đảm bảo.

Vậy theo bà, cần làm gì để tháo gỡ nút thắt này?

Để góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, mà cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.

Ngoài ra, để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, bản thân các DN cũng phải tiến hành cơ cấu lại hoạt động của mình để nâng cao hiệu quả hoạt động. Và trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, có thể huy động nguồn lực trong và ngoài nước, chẳng hạn như tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA, hoặc có thể huy động từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng nguồn giải ngân cho các dự án thuộc ngân sách...

Có ý kiến cho rằng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra vẫn ở mức cao. Bà có thể cho biết, hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang là bao nhiêu. Liệu còn dư địa để giảm lãi suất nữa không?

Theo tính toán của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, dựa trên cơ sở phân tích số liệu của 36 NHTM trong nước, chênh lệch lãi suất đầu vào và ra sau khi đã trừ chi phí trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,93% đến cuối tháng 3/2013. Đây là mức khá thấp thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ khó khăn của hệ thống ngân hàng đối với DN. Nếu chênh lệch này giảm xuống nữa, nó sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của ngân hàng, nhiều ngân hàng có thể sẽ lỗ, khi đó sẽ nguy hiểm đến tính an toàn của TCTD và của hệ thống.

Tính đến hết ngày 22/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,29%. Liệu rằng kết thúc năm 2013, tăng trưởng tín dụng có đạt như kế hoạch đề ra là 12%, thưa bà?

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này mới chỉ đạt 2,29% nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì đã có sự cải thiện (5 tháng đầu năm 2012, tín dụng tăng không đáng kể). Từ nay tới cuối năm, hy vọng tín dụng sẽ tăng trở lại nếu dựa trên một số yếu tố như: Thông tư số 11 về cho vay hỗ trợ nhà ở và Nghị định của Chính phủ về thành lập VAMC được ban hành và thực thi hiệu quả; Hội nghị xúc tiến đầu tư ở Tây Bắc và Tây Nguyên, nhiều dự án đã được các TCTD ký kết, nếu DN và các địa phương phối hợp triển khai nhanh thì đây cũng là yếu tố giúp gia tăng tín dụng.

Cùng với đó, diễn biến kinh tế vĩ mô 5 tháng cho thấy đã có một số tín hiệu tăng trở lại của cầu trong nước: nhập siêu đạt 1,9 tỷ USD, chỉ số hàng tồn kho có xu hướng tăng thấp hơn những tháng đầu năm. Và nếu có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các bộ, ngành trong việc triển khai các biện pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, xử lý nợ đọng ngân sách để giảm nợ xấu, tăng khả năng hấp thụ vốn và khả năng tiếp cận vốn của DN thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% có thể sẽ đạt được.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Theo Thanh Huyền

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên