MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng suy vì tín dụng kiệt

24-10-2013 - 10:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cần đạt mức 16 – 17%, nền kinh tế mới đạt được sản lượng tiềm năng khoảng 7%.

Tăng trưởng kinh tế năm 2013 và cả năm 2014 chỉ đâu đó quanh mức 5%, thấp hơn rất nhiều mức tiềm năng 7%. Đó là nhận định của chuyên gia đến từ ngân hàng ANZ, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng 2014” diễn ra hôm qua (22/10), tại Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng trưởng thấp, được cả chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhận định là tín dụng quá thấp, thậm chí có biểu hiện suy kiệt.

Tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Đó là nhận định của ông Glenn B. Maguire, chuyên gia Kinh tế trưởng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng ANZ về triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2013 của Việt Nam.

Cụ thể, ông Glenn B. Maguire dự báo, năm nay, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,1% và sẽ cải thiện trong năm 2014 đạt mức 5,25%, thấp hơn ước tính của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia là 5,3% trong năm 2013; và 5,6 – 5,8% năm 2014. Để quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng (khoảng 7%), Việt Nam cần tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước.

Cơ sở cho nhận định của ANZ, theo ông B. Maguire là tỷ lệ vay nợ trong nền kinh tế Việt Nam cao, trong khi gánh nặng nợ xấu lớn. Để tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa, Việt Nam phải cải thiện hoạt động đầu tư, nâng cao hiệu quả phân bổ vốn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam còn chịu lực cản của một số yếu tố như năng lực cung ứng điện (nhu cầu điện trung bình cho phát triển kinh tế xấp xỉ 5.000MW nhưng trên thực tế khả năng đáp ứng thấp hơn), trong khi thu hút đầu tư vào điện gặp nhiều khó khăn; dự trữ ngoại hối còn mỏng…

Lạm phát cả năm được ANZ dự báo trong biên độ 6 – 8%, do cầu trong nước yếu sẽ giữ cho giá tiêu dùng không tăng trong trung hạn.

Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam cần đạt mức 16 – 17%, nền kinh tế mới đạt được sản lượng tiềm năng khoảng 7%.

Bởi Việt Nam có tỷ lệ đòn bẩy tài chính lớn, tín dụng quyết định tổng đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực tư nhân.

Mặc dù vậy, dự báo về triển vọng kinh tế 2014, ông Nghĩa vẫn đưa ra một bức tranh lạc quan hơn của ANZ, cụ thể: GDP tăng trưởng 5,5 – 5,7%, cơ sở là thâm hụt ngân sách có thể nâng lên 5,3%, giúp nâng tổng vốn đầu tư/GDP tăng từ 29% lên khoảng 33%, trong đó dành chủ yếu vào đầu tư công – những công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; CPI khoảng 7%; tăng trưởng tín dụng 14 – 15%; lãi suất giảm nhẹ và được duy trì ổn định…

Khu vực ngân hàng là mắt xích yếu nhất

Khu vực tài chính vẫn là điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của ANZ, khi cho rằng “khu vực ngân hàng vẫn là mắt xích yếu nhất, trong khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục rút đi”.

Lý giải điều này, ông B. Maguire cho biết, hoạt động cho vay tiếp tục yếu kém, số liệu chính thức ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 7/2013 đạt 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu, theo thông báo của ngân hàng Nhà nước giảm từ 4,65% vào tháng 5 xuống còn 4,46% vào tháng 6.

Tuy nhiên, theo ANZ, các tổ chức xếp hạng tín dụng nước ngoài ước tính con số thực phải cao hơn gấp đôi so với ước tính chính thức.

Chung mối lo ngại này, ông Nghĩa cho biết, thị trường tín dụng của chúng ta có dấu hiệu đi xuống cả về giá (lãi suất liên tục giảm và ở mức thấp); khối lượng (giao dịch liên ngân hàng giảm mạnh cả về khối lượng và lãi suất); tăng trưởng tín dụng quá thấp trong một thời gian rất dài…

Ông Nghĩa nhận xét: “Tín dụng đang có biểu hiện suy kiệt và nhiệm vụ thúc đẩy tín dụng tăng ở mức hợp lý còn là khó khăn trong trung hạn”.

Cũng theo số liệu từ ANZ, từ 1 – 25.9, tổng số vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi Việt Nam là 17,4 triệu USD, nâng tổng số luỹ kế dòng vốn đầu tư rút khỏi Việt Nam lên gần 182 triệu USD trong 18 tuần qua.

“Chúng tôi dự báo vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục rút ra trong những tháng tới”, ông B. Marguire nói.

Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, được ANZ ghi nhận, là dòng vốn đầu tư trực tiếp chín tháng đầu năm đã tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đầu tư 9,3 tỉ USD.

Chia sẻ góc nhìn này, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, phân tích: Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, lãi suất của thị trường thế giới tăng lên làm giảm chênh lệch với lãi suất thị trường Việt Nam, do vậy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam có giảm sút.

Mặt khác, các quỹ đóng tại Việt Nam phải đều phải hết hạn trong năm 2013 – 2014, mức độ thoái vốn rất lớn, trong khi việc thành lập quỹ mới chậm, nên có thể suy giảm nhất định dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới đây ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, nhìn vào triển vọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chúng tôi tin rằng dòng vốn gián tiếp sẽ sớm quay trở lại”, ông Nghĩa nói và dẫn giải nhận định của nhiều tổ chức tài chính quốc tế: hai thị trường được dòng vốn nhắm đến nhiều nhất là Việt Nam và Philippines, do chính phủ hai nước này rất nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.

 Theo Nguyên Thảo

hanhle

Sài Gòn Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên