Tăng trưởng tín dụng: Có bù trừ giữa các ngân hàng
Đến thời điểm này, nhiều NHTM kỳ vọng các gói tín dụng ưu đãi sẽ kích tín dụng tăng mạnh vào cuối năm nên đã xin nới “room” tăng trưởng tín dụng được giao đầu năm.
Theo số liệu NHNN, tính đến 28/6/2013, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012. Như vậy, tín dụng trong tháng 6 tăng khá mạnh, bởi dữ liệu cập nhật 5 tháng mới chỉ tăng được 2,98%.
Đáng chú ý, tín dụng VND tiếp tục tăng mạnh với 7,55%, trong khi tín dụng ngoại tệ giảm tới gần 9,4% so với cuối 2012. Tăng trưởng tín dụng đã có chuyển biến khá tích cực, tạo đà tăng mạnh, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 12% của năm nay, trong những tháng cuối năm.
Hiện tại, các ngân hàng đang tiếp tục tung các gói tín dụng ưu đãi để “kéo” khách. “Tín dụng không khó – Lãi suất giảm đến 3,5%/năm” là chương trình tín dụng ưu đãi của LienVietPostBank dành cho khách hàng cá nhân và DN nhằm khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng với tổng giá trị giải ngân lên tới 1.000 tỷ đồng.
Techcombank cũng vừa thông báo dành tới 4.000 tỷ đồng tài trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng, vay xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh với lãi suất chỉ 5,99%/năm. Với chương trình này, khách hàng tham gia được hưởng mức lãi suất thấp như trên trong thời gian 6 tháng, nếu thời hạn vay từ 5 năm trở lên, trong 3 tháng nếu thời gian vay từ 3 đến 5 năm và trong 1 tháng, nếu thời gian vay dưới 3 năm…
Đặc biệt, đến thời điểm này, nhiều NHTM kỳ vọng các gói tín dụng ưu đãi sẽ kích tín dụng tăng mạnh vào cuối năm nên đã xin nới “room” tăng trưởng tín dụng được giao đầu năm.
Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, thời gian qua Sacombank cũng như nhiều ngân hàng khác rất chủ động trong việc hạ lãi suất cho vay cùng các giải pháp hỗ trợ kèm theo tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận vốn. Sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã đạt 11%. Ngân hàng này xin nới “room” tăng trưởng tín dụng lên 20% và đã được NHNN chấp thuận.
Lãnh đạo HDBank cũng ngỏ ý muốn được nới “room” tăng trưởng cao hơn mức NHNN đã giao hồi đầu năm (12%). Vì đến cuối tháng 6/2013 tăng trưởng tín dụng của HDBank đã đạt 8,2%.
Tổng giám đốc TienPhongBank Nguyễn Hưng cũng cho biết, hiện ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn và xây dựng hệ thống khách hàng mới. “Chúng tôi hiểu cái giá phải trả cho nợ xấu. Hiện hầu hết các ngân hàng đều chú trọng tới chất lượng tín dụng. Tức là khẩu vị rủi ro của các ngân hàng đã thay đổi theo hướng thắt chặt và thận trọng hơn nhiều. Chúng tôi khuyến khích tăng trưởng tín dụng, nhưng phải an toàn”, ông Hưng chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho rằng, bài học tăng trưởng tín dụng nóng khiến nợ xấu ăn mòn vốn tự có của các ngân hàng đang hiện hữu nên họ sẽ phải thắt chặt khẩu vị rủi ro. Các quy định quản trị rủi ro được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.
Ông Trung cho rằng, nếu NHTM nào tăng trưởng tín dụng tốt tại 5 lĩnh vực ưu tiên thì NHNN nên linh hoạt cho điều chỉnh nới “room” tín dụng. Cũng theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, để tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt kế hoạch 12% vào cuối năm, thì tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NHTM phải theo “đồ thị hình sóng”. Tức là có ngân hàng tăng trưởng 20%, thậm chí có thể hơn để bù đắp cho các ngân hàng đang khó tăng tín dụng. Bởi hiện tại không ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở “vạch xuất phát”.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây cho biết, đầu năm NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các NHTM chủ động lên kế hoạch kinh doanh. Song hạn mức tín dụng NHNN đưa ra không cố định mà sau 6 tháng sẽ xem xét lại. Do vậy, nếu ngân hàng nào đánh giá khả năng tài chính, tăng trưởng tín dụng tốt thì báo cáo, NHNN sẽ cho điều chỉnh.
Vấn đề là các NHTM phải tự cân đối chi phí, lãi suất đầu vào để đưa ra mức lãi suất cho vay cạnh tranh. Bởi hiện NHNN chỉ quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao) là 9%/năm. Theo thống kê của NHNN, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7 - 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9,5 - 11,5%/năm; trung và dài hạn khoảng 12-13%/năm.
Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng hỗ trợ thị trường như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đang được rốt ráo triển khai; các chương trình cho vay thu mua lúa gạo được các ngân hàng thực hiện… Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại của các TCTD khá thấp, gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các DN. Nhưng để việc giảm lãi suất nói riêng, chính sách tiền tệ nói chung phát huy hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ phối hợp.
Theo đề xuất của Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú, sự phối hợp chính sách tài khóa qua đẩy mạnh đầu tư công, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu, hàng tồn kho. “Ngoài ra, hoạt động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại; miễn giảm, hoàn thuế và tiền thuê đất cũng cần được đưa vào bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Tú nói thêm.
Theo Huyền Thanh