MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng vốn điều lệ: Đảm bảo tương lai ngân hàng

14-06-2013 - 10:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Có ý kiến lo ngại nếu không sử dụng hiệu quả vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ tạo vòng xoáy nợ xấu. Nhưng, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, khó xảy ra điều này và xu hướng sẽ tích cực hơn.

Khi có đồng vốn dồi dào, quản trị rủi ro của ngân hàng ngày càng tăng cường, thì việc sử dụng vốn hiệu quả hơn sẽ giúp ngân hàng phát triển tốt hơn.

Khó khăn, tại sao ngân hàng vẫn tăng vốn điều lệ

Từ đầu năm 2013, liên tục các ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông cuối tháng 4/2013, cổ đông VietA Bank thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, VietA Bank sẽ phát hành trên 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược. Phần còn lại sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức trên 12,3 triệu cổ phiếu…

Theo lý giải của lãnh đạo VietA Bank, mục đích của việc tăng vốn lần này là để nâng cao quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng…OCB cũng đã được cổ đông thông qua việc tăng thêm 766 tỷ đồng vốn điều lệ, từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Dự tính việc tăng vốn điều lệ được tiến hành vào quý II/2013 thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc và thông qua phát hành từ quỹ Dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối các năm.

Ngoài hai ngân hàng này, một số NHTMCP nhỏ khác đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm 2013 như Southern Bank cũng lên kế hoạch nâng vốn điều lệ từ mức 4.000 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng; NamA Bank đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 - 4.000 tỷ đồng…

Tăng vốn đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải chịu áp lực tăng trưởng về lợi nhuận. Mà lợi nhuận các ngân hàng đang sụt giảm khá mạnh khi lãi biên ngày càng giảm, trong khi tín dụng – nguồn thu chủ yếu của ngân hàng cũng không tăng được nhiều. Do vậy, một số ý kiến cho rằng nếu không phải là nhu cầu cấp thiết thì các ngân hàng nên thận trọng với kế hoạch tăng vốn điều lệ. Thay vào đó ngân hàng nên tập trung giải quyết nợ xấu, tăng chất cho các sản phẩm dịch vụ bù đắp doanh thu tín dụng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Tuy nhiên là “người trong cuộc”, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, đúng là thời điểm này giải quyết nợ xấu là vấn đề nóng nhất. Nhưng trong chiến lược phát triển lâu dài của ngân hàng thì việc tăng cường khả năng phòng thủ thanh khoản hay nói cách khác là tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, để tăng quy mô hoạt động thì vốn điều lệ phải tăng trưởng tương ứng để đảm bảo tiêu chí an toàn trong hoạt động.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội nhận định: việc tăng vốn điều lệ trong thời điểm này có thể do tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) - thước đo độ an toàn vốn của một số ngân hàng mới chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn quy định của NHNN (9%) nên bản thân họ thấy cần tăng vốn điều lệ để tăng tính hiệu quả và ổn định trong hoạt động.

Đồng tình với kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất cứ lúc nào nếu NHTM có thể tăng vốn điều lệ là chuyện tốt, nhất là những ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao. Bởi tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng bù trừ vốn chủ sở hữu do nợ xấu tăng cao. Nếu chỉ trông chờ lợi nhuận từ dịch vụ rất khó để bù đắp và xử lý nợ xấu.

Có dễ mở hầu bao cổ đông

Cũng có ý kiến lo ngại nếu không sử dụng hiệu quả vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ tạo vòng xoáy nợ xấu. Nhưng, ông Hiếu lại cho rằng, khó xảy ra điều này và xu hướng sẽ tích cực hơn. Khi có đồng vốn dồi dào, quản trị rủi ro của ngân hàng ngày càng tăng cường, thì việc sử dụng vốn hiệu quả hơn sẽ giúp ngân hàng phát triển tốt hơn.

Một vấn đề khác, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hoạt động ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn việc tăng vốn điều lệ sẽ không hề dễ dàng nhất là đối với những ngân hàng nhỏ. Nhất là nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện đã xuống dưới mệnh giá, lại chưa lên sàn thì việc phát hành cổ phiếu với giá bằng mệnh giá khó hấp dẫn được cổ đông.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm, tất nhiên vào thời điểm này thuyết phục cổ đông móc hầu bao đầu tư vào ngân hàng không phải dễ. Vì trong điều kiện khó khăn như hiện nay, một đồng tăng vốn điều lệ khó có thể đạt lợi nhuận kỳ vọng.

“Nhưng, nếu là người gắn bó ngân hàng, trải qua những thăng trầm cùng ngân hàng trong suốt thời gian qua, tôi nghĩ rằng không khó để thuyết phục họ bơm tiền giúp ngân hàng vượt qua khó khăn”, ông Hiếu khẳng định. Hơn nữa, nếu cổ đông thấy tăng vốn điều lệ là vấn đề sống còn của ngân hàng, thì họ sẽ quyết định có nên bỏ tiền hay không.

“Với chiến lược tăng vốn điều lệ cho những mục tiêu khá rõ ràng nên kế hoạch tăng vốn điều lệ của OCB được cổ đông khá chia sẻ và đồng tình”, ông Tùng bày tỏ và chia sẻ thêm: các cổ đông hiểu rằng tăng vốn điều lệ thời điểm này không phải là tăng khả năng kiếm tiền, mà là tăng độ vững vàng của ngân hàng.

Mặt khác, chúng tôi cam kết đối với cổ đông là ngân hàng sẽ kiếm nhiều tiền hơn nhưng không phải thời điểm này mà trong thời gian tới, có thể 5 – 10 năm nữa. Nhờ vậy, tỷ lệ chia cổ tức phù hợp với điều kiện hiện tại cũng giảm áp lực lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng: “Có thể tùy thời điểm, tùy từng chiến lược của mỗi ngân hàng, nhưng không nên tăng đột ngột mà tăng dần vốn điều lệ với chiến lược rõ ràng đầy đủ”.

Cùng chung quan điểm trên, lãnh đạo một NHTMCP khác lưu ý, các ngân hàng phải đảm bảo tính chính xác của các báo cáo tài chính. Bởi cổ đông cần biết ngân hàng của mình đang hoạt động trong tình trạng thế nào. “Nếu thực sự đang gặp khó khăn, tôi nghĩ lời đề nghị trợ giúp từ các cổ đông sẽ dễ dàng chấp nhận hơn, thay vì cố tình che giấu sức khỏe của mình”, vị này nhận xét.

Theo Huyền Thanh

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên