MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản: Lo dần là vừa

03-10-2013 - 07:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng bước vào vụ cuối năm, thời điểm cầu tín dụng thường tăng cao. Chưa năm nào mức chênh lệch giữa huy động và cho vay cao như hiện nay. Tuy nhiên thanh khoản vẫn là nỗi lo thường trực.

Đối với nhiều ngân hàng thương mại(NHTM) Việt Nam, thiếu hụt thanh khoản như một nỗi ám ảnh bám riết lấy họ năm này qua năm khác, nhất là mỗi độ đông về - quãng thời gian gối từ những tháng cuối năm cũ sang năm mới.

Nỗi sợ đeo bám


Tại sao cácngân hàngsợ thiếu hụt thanh khoản đến vậy? Vì thiếu hụt thanh khoản, 3 ngân hàng là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và NHTM cổ phần Sài Gòn phải hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần SCB. Ngoài khoản tiền tái cấp vốn khoảng 19.200 tỷ đồng từ NHNN, SCB còn phải nhận hỗ trợ từ những ngân hàng thương mại nhà nước lớn, đặc biệt BIDV đã phải ứng cứu 2.400 tỷ đồng để giúp các ngân hàng này đủ tiền chi trả cho người gửi.

Về hình thức, việc hỗ trợ được gọi là “ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, toàn diện” giữa BIDV và 3 ngân hàng trên vào tháng 12/2011. Hợp tác đến mức BIDV phải cử 22 cán bộ sang “nằm vùng” tại SCB. Ngoài vụ điển hình này, từng có không ít ngân hàng phải cầu cứu NHNN hỗ trợ thanh khoản. Và vì không thể để bất cứ NHTM nào đổ vỡ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống nên trong nhiều trường hợp NHNN buộc phải cứu. Tất nhiên, kèm theo đó là sự kiểm soát đặc biệt.

Đề cập đến vấn đề này, trong bối cảnh hiện nay khi đầu vào (huy động vốn) vẫn tốt mà đầu ra (cho vay) rất dè dặt thì có vẻ không hợp lý, song không hẳn vậy.

Không lo sao được!

Đã có những dấu hiệu cảnh báo khá rõ ràng về nguy cơ thiếu hụt thanh khoản trong những tháng cuối năm.

Những con số giật mình tháng 3/2011 có giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng với lãi suất 23%/năm; tháng 10/2011 có giao dịch với lãi suất 30%/năm. thậm chí trong tháng 11/2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%/năm. Trong khi đó, trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN là 14%/năm.

Thứ nhất, trên thị trường liên ngân hàng (thị trường II): theo thống kê của NHNN trong tuần 16/9 đến 20/9 các giao dịch kỳ hạn qua đêm và 1 tuần chiếm tới 73% tổng doanh số giao dịch nội tệ. Các giao dịch USD cũng tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 56%).

Lãi suất qua đêm trên thị trường II ngày 30/6 ở mức thấp chưa từng có là 0,9%. Thế nhưng, sang tháng 7 lãi suất qua đêm liên tục tăng và ngày 19/7 bất ngờ lên đến 4,6%, theo đó lãi suất các kỳ hạn ngắn khác là 1 tuần tăng lên 5,13%, 1 tháng là 5,5% và 3 tháng ở mức 6,2%. Căng thẳng đến mức NHNN phải hạ lãi suất trên thị trường OMO và bơm ra 7.000 tỷ đồng, cộng thêm hơn 4.500 tỷ tín phiếu đáo hạn thì thị trường mới yên trở lại. Đến tháng 8/2013, lãi suất qua đêm trên thị trường II ở mức 2,23%, hiện đã tăng lên mức 2,42%.

Thứ hai, huy động và cho vay từ dân cư và tổ chức (thị trường I) đang giảm. Thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, tỷ lệ tín dụng/vốn huy động trên thị trường I đang ở mức 92,21%, giảm so với mức trên 93% của cuối năm 2013. Điều này là tất yếu khi lãi suất huy động đã giảm 2-5% so với đầu năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng còn khoảng 5-7%/năm, giảm so với mức trước đó là 6,5 - 7%/năm. Đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất còn 6,5 - 7,5%/năm, trước đó là 7-8%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng cũng chỉ còn 7,5-9%/năm so với mức trước đó là từ 8-9%/năm.

Chín tháng qua, mức tăng trưởng huy động đạt 11,74%, vẫn cao hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng tín dụng 5,83%. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây giữa NHNN với một số tổ chức tín dụng lớn về vấn đề bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụngViệt Nam (VAMC), lãnh đạo một NHTM lớn đã bày tỏ băn khoăn về nguy cơ thiếu hụt thanh khoản hệ thống trong những tháng tới. Đang bàn về bánnợ xấu, sao lại “lạc” sang thanh khoản? Vì nếu không giải quyết được nợ xấu, ngân hàng vẫn bị chôn vốn ở đó, trong khi sức ép tăng trưởng tín dụng là rất lớn mà huy động vốn đang có dấu hiệu giảm dần. Chính vì vậy, đã có NHTM đề nghị NHNN xem xét giảm mức lãi suất tái cấp vốn của trái phiếu đặc biệt (trái phiếu do VAMC phát hành ra khi mua nợ xấu). Với mức lãi suất thấp hơn, sẽ khuyến khích ngân hàng chuyển nợ xấu thành trái phiếu để có thể vay vốn từ NHNN.

Những đánh giá và dự báo bi quan của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu sẽ gây sức ép lên NHNN - ngành vốn có trách nhiệm không nhỏ trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, việc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt 10-12% trong năm nay sẽ là một trong những mục tiêu mà ngành ngân hàng buộc phải nỗ lực đặc biệt.

Hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất được ghi nhận trên thị trường là 5,91%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động); phổ biến là 9 -12%/năm. Điều này cho thấy, các NHTM vô cùng linh hoạt trong xét cấp tín dụng cho khách hàng. Tùy từng đối tượng, món vay, lãi suất cho vay có thể chênh lệch đến 5%. Vì vậy, dự báo tín dụng sẽ có tăng trưởng vượt bậc trong những tháng tới. Nếu huy động vốn tiếp tục giảm thì không chỉ các ngân hàng nhỏ mà ngay cả các ngân hàng lớn cũng phải lo đến thanh khoản.

Thời gian qua, NHNN được đánh giá cao trong việc sử dụng công cụ thị trường mở (OMO) để điều tiết cung tiền. Thực tế việc bơm hút tiền qua OMO những tháng qua có những yếu tố thuận lợi nhất định: chỉ số giá tiêu dùng CPI các tháng đầu năm thấp, lượng tiền thu về qua đấu thầu bán vàng cao, việc phát hành tín phiếu cũng dễ dàng hơn do vốn khả dụng của các NHTM tương đối dư thừa… Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi này tới đây sẽ không còn. Đơn cử, NHNN sẽ không thể cứ tiếp tục đấu thầu bán vàng; chỉ số CPI tháng 9 tiếp tục tăng 1,06% so với tháng trước, tăng 4,63% so với tháng 12/2012 và đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, nếu muốn cứu thanh khoản, NHNN cũng phải cân nhắc “được”- “mất” trong tác động đến lạm phát.

Theo Thái Thanh

hangnt

Doanh nhân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên