Thay vì độc quyền, NHNN nên cho một số DN lớn nhập khẩu vàng
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, cho DN nhập vàng vừa mang tính thị trường đồng thời tạo bình thông nhau về giá trong nước và thế giới.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thời gian ngừng đấu thầu vàng sớm hay muộn tùy thuộc vào tính bền vững của sự ổn định thị trường vàng diễn ra nhanh hay chậm. Bao giờ cung - cầu vẫn còn vênh; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao thì NHNN vẫn phải xử lý, can thiệp qua đấu thầu vàng để thị trường không xảy ra biến động, tạo cơ hội cho đầu cơ.
TS. Cao Sỹ Kiêm |
Nhìn lại công tác điều hành thị trường vàng trong năm 2013, trao đổi với phóng viên, TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định: Quản lý thị trường vàng của NHNN đã đạt được thành công bước đầu. Các TCTD đã tất toán được tài khoản huy động vàng, thị trường vẫn giữ được ổn định, không còn hiện tượng sốt giá, tình trạng đầu cơ rối loạn thị trường. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý: nói là làm chứ không phải “lời hứa suông”.
Vậy, theo ông năm 2014 vàng có còn hấp dẫn?
Nền kinh tế thế giới kể cả Mỹ, EU… đều có dấu hiệu hồi phục. Khi nền kinh tế ổn định, đồng tiền của họ cũng sẽ giữ giá trị. Khi đó nhu cầu tích trữ vàng giảm đi và thị trường vàng bớt căng thẳng hơn. Do đó, loại trừ khả năng xảy ra xung đột chính trị ở một số khu vực Trung Đông, Thái Lan…, năm 2014 những xáo trộn, biến động giá vàng trên thị trường thế giới sẽ giảm nhiều. Theo đó, người dân trên thế giới chú trọng hoạt động sản xuất kinh doanh, dự trữ các đồng tiền mạnh nhiều hơn thay vì tích trữ vàng. Như vậy, sức hấp dẫn vàng sẽ giảm theo.
Sức hấp dẫn vàng trên thế giới giảm chắc chắn tác động đến tâm lý của người dân Việt Nam. Nhu cầu vàng của người dân giảm đi cùng với cơ chế chính sách điều hành của NHNN đang triển khai và phát huy hiệu quả thì cung – cầu trên thị trường sẽ duy trì ổn định. Từ đó, việc đấu thầu vàng để đáp ứng nguồn cung cho thị trường cũng sẽ giảm dần. Theo tôi, càng thu hẹp số lượng, khối lượng vàng đấu thầu càng sớm càng tốt. Vì tiếp tục đấu thầu vàng, NHNN phải sử dụng lượng ngoại tệ lớn để mua vàng vào. Việc này sẽ có tác động nhất định đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá. Trong khi đó việc kiểm soát đầu cơ đối với tỷ giá không đơn giản.
Theo ông thời gian nào là phù hợp cho việc ngừng đấu thầu vàng?
Sớm hay muộn tùy thuộc vào tính bền vững của sự ổn định thị trường vàng diễn ra nhanh hay chậm. Bao giờ cung - cầu vẫn còn vênh; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao thì NHNN vẫn phải xử lý, can thiệp qua đấu thầu vàng để thị trường không xảy ra biến động, tạo cơ hội cho đầu cơ.
Thực tế, rất khó để yêu cầu thị trường vàng ổn định ngay. Vì giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá vàng thế giới. Đó là chưa kể nhiều yếu tố như tâm lý tích trữ, kiếm lời từ vàng của người dân, rồi chính sách quản lý vẫn còn những điểm chưa khớp với thị trường.
Do vậy, để thị trường vàng thực sự đi vào ổn định đòi hỏi phải có thời gian, các giải pháp quyết liệt, kiên trì chứ không thể trong chốc lát là đạt được. Nếu giải quyết vấn đề này thì không những chúng ta ổn định được giá vàng, mà tiếp tục “giữ” tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ.
NHNN nên ứng xử ra sao với thị trường vàng trong năm 2014, thưa ông?
Theo tôi, những giải pháp của NHNN quản lý thị trường vàng đã có những kết quả tích cực, cho thấy đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để thị trường vàng thực sự đi vào quỹ đạo thì NHNN phải gỡ một số nút thắt của thị trường. Đó là thay vì NHNN độc quyền nhập khẩu vàng thì nên cho phép một số DN kinh doanh vàng lớn có uy tín được nhập khẩu vàng dưới sự giám sát của NHNN. Giải pháp này vừa mang tính thị trường đồng thời tạo bình thông nhau về giá trong nước và thế giới.
Việc quy chuẩn hóa cụ thể những đơn vị được kinh doanh vàng, những DN được nhập khẩu vàng cũng nên được lưu tâm trong thời gian tới. Và, việc NHNN minh bạch cơ chế điều hành thị trường vàng tạo sự yên tâm cho dân chúng rất cần thiết. Khi người dân yên tâm thì tư tưởng lợi dụng, hay ý đồ trục lợi cá nhân cũng sẽ giảm xuống.
Còn việc huy động vàng trong dân thì sao, thưa ông?
Tôi đồng tình với đề xuất của nhiều ý kiến về việc phát hành chứng chỉ vàng huy động vàng trong dân. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì chưa phù hợp. Vì hiện cơ quan quản lý vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để “ứng xử” với thị trường vàng. Nên việc huy động vàng trong dân nếu triển khai mà không làm triệt để được, chỉ làm theo kiểu mua bán thì cũng chỉ giải quyết được một phần. Tóm lại, tất cả sẽ phụ thuộc vào chính sách. Nếu chính sách an toàn, bảo đảm được quyền lợi của người dân thì họ sẽ tin tưởng, trạng thái ổn định được duy trì bền vững và khi đó chúng ta mới có thể huy động được vàng trong dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Nguyễn Vũ