MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế chấp giá trị ảo

09-12-2013 - 08:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Sự việc 7 ngân hàng bao vây xiết nợ kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân trong tuần qua phản ánh rõ ràng nhất bản chất đáng lo ngại của nợ xấu trong hệ thống tín dụng hiện nay.

Túc trực 24/24; thuê xe chắn đường phòng "cướp" cà phê; "thửa" khóa riêng để giữ cửa; cự cãi tranh giành đến mức công an phải tới can thiệp... là những hình ảnh giống siết nợ của tín dụng đen hơn là hành động của 7 ngân hàng (NH). Tuy nhiên, hình ảnh đáng xấu hổ này chỉ là bề nổi. Phần chìm còn đáng lo ngại hơn. Đó chính là những lỗ hổng trong khâu thẩm định hồ sơ, thẩm định giá trị tài sản thế chấp của 7 NH trên nói riêng và của các tổ tín dụng nói chung.

Thực tế, ai từng một lần vay thế chấp tại NH sẽ thấy việc định giá tài sản luôn đảm bảo cho NH "nắm đằng chuôi" trong mọi trường hợp. Cụ thể, nếu tài sản thế chấp (hầu hết là bất động sản) trị giá 1 tỉ đồng, thông thường các NH chỉ định giá từ 500 - 700 triệu đồng và cũng chỉ cho vay từ 50 - 70% giá trị thẩm định.

 Với cách làm này, ngay cả khi bất động sản giảm tới 50%, NH vẫn "ung dung" vì giá trị tài sản thế chấp vẫn lớn hơn khoản vay. Nhưng qua được "cửa" thế chấp, cá nhân còn phải chứng minh khả năng trả nợ thì mới được vay. Lẽ ra, cá nhân vay mà "kỹ" đến vậy thì cho vay doanh nghiệp (thủ tục cũng tương tự) chắc chắn các NH càng phải "kỹ" hơn. Bởi khoản vay của doanh nghiệp thường lớn hơn rất nhiều, lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. 

Thế thì làm sao trong trường hợp nói trên, kho cà phê "bỗng dưng" lại được định giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực? Làm cách nào một kho cà phê lại có thể mang thế chấp tại nhiều tổ chức tín dụng khi hệ thống NH đã liên thông với nhau, tài sản đã thế chấp ở NH này, NH kia hoàn toàn có thể nắm được? Dù chưa được làm rõ nhưng trong trường hợp này, khả năng có sự bắt tay giữa cán bộ thẩm định của NH với doanh nghiệp là rất lớn. Bởi nếu làm đúng quy định, quy trình cho vay thì không thể có chuyện xảy ra như nói trên.

Câu chuyện kho cà phê trị giá chỉ khoảng 100 tỉ đồng của Công ty Trường Ngân nhưng được thế chấp qua nhiều NH với số tiền vay lên tới gần 600 tỉ đồng đã hé lộ bản chất cực kỳ rủi ro của bức tranh nợ xấu trong hệ thống tín dụng hiện nay. Đó là giá trị ảo của tài sản thế chấp. Với việc buông lỏng khâu thẩm định và đạo đức cán bộ NH xuống cấp đến mức báo động (hàng loạt vụ cán bộ, lãnh đạo liên một số NH ôm tiền bỏ trốn, lấy tiền của NH, hoặc chiếm đoạt tài sản của khách hàng đã được phanh phui trong thời gian qua), tình trạng bắt tay nhau giữa cán bộ NH và doanh nghiệp nâng khống giá trị tài sản thế chấp nhằm vay được nhiều hơn diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Đến khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hay mất khả năng trả nợ, giá trị tài sản thế chấp không đủ bù cho khoản vay, NH mất vốn.

Vậy có bao nhiêu giá trị tài sản thế chấp ảo trong các món nợ xấu, nợ vay trong hệ thống NH? Nếu không phân loại rõ ràng, công bố công khai và cụ thể các món nợ xấu, định giá thế chấp thế nào, vay bao nhiêu, giá trị thẩm định có sát thực tế hay không... thì việc mua nợ xấu hiện nay, rất có thể nhà nước đang gánh lấy phần rủi ro mà lẽ ra, các NH phải chịu trách nhiệm.

Theo Nguyên Hằng

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên