MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm cơ hội cho nguồn vốn rẻ

25-03-2014 - 08:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi lãi suất huy động tiếp tục giảm, cùng với việc các NHTM tiết kiệm chi phí để đẩy mạnh tín dụng thì khả năng tiếp cận vốn rẻ cho người dân và DN trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội.

Đầu tháng 2/2014, khi trao đổi với phóng viên TBNH, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, nếu điều kiện thuận lợi, lãi suất cho vay (LSCV) có thể giảm 1 – 2% để hỗ trợ nền kinh tế. Khi đó, nhiều người hiểu, “điều kiện thuận lợi” ở đây là các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn huy động VND tốt, hệ thống ngân hàng thanh khoản dồi dào.

Tín hiệu của điều kiện trên, dễ nhận thấy nhất thời gian qua, là biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tháng 2/2014 CPI tăng 0,55% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,65% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Đến tháng 3/2014, theo công bố của các Chi cục Thống kê, CPI trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giảm so với tháng trước lần lượt là 0,15% và 0,46%. Với mức giảm này, đưa đến khả năng CPI của cả nước tiếp tục giảm hoặc tăng ở mức rất thấp – có thể lại lập “kỷ lục” nữa trong tháng 3/2014. Một số liệu khác cho thấy, đến ngày 13/3/2014, huy động vốn của các hệ thống TCTD tăng 1,92%, trong khi tín dụng cho vay của toàn hệ thống lại giảm 1,05% so với cuối năm 2013.

Những điều kiện trên đã giải mã cho tiền đề giả định “điều kiện thuận lợi” và NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động (LSHĐ) cả VND (6%/năm kỳ hạn dưới 6 tháng) và USD (1%/năm với tiền gửi cá nhân) ngay khi nhận định môi trường đã chín muồi. Đây là lần cắt giảm các lãi suất chủ chốt thứ 9 của NHNN kể từ cuối năm 2011 đến nay.

Mặc dù, sau quyết định giảm một loạt các lãi suất chủ chốt của NHNN một số ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là HSBC và ANZ đã ra báo cáo nhận định với cùng quan điểm rằng: Việc giảm lãi suất sẽ không phải là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhận định này khác hướng mục tiêu của NHNN trong việc cắt giảm lãi suất lần này, trước hết, là tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi khi các kênh huy động vốn khác như qua thị trường chứng khoán vẫn chưa được phát triển thì nguồn vốn tín dụng vẫn là chủ đạo trong các kế hoạch kinh doanh – đầu tư của DN. Việc giảm LSHĐ là điều kiện tiên quyết để các TCTD giảm tiếp lãi suất cho vay.

Ông Trịnh Ngọc Xinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hải Phú, chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, cho biết, công ty đang là khách hàng của Agribank với dư nợ 7 tỷ đồng, lãi suất vay 9%/năm. “Sau khi nghe thông tin điều chỉnh giảm lãi suất vừa qua, tôi gọi điện cho cán bộ tín dụng ngân hàng và được biết trong thời gian tới công ty sẽ được hưởng lãi vay chỉ còn 8%/năm. Đây sẽ là sự chia sẻ rất tốt cho DN trong bối cảnh thị trường vẫn còn gặp khó khăn”, ông Xinh vui vẻ cho biết.

Không đợi tới lúc giảm LSHĐ thì các NHTM mới chủ động tăng vốn tín dụng cho nền kinh tế, mà trước đó, các NHTM đã giới thiệu các gói cho vay với nhiều ưu đãi về lãi suất.

Chẳng hạn, SeABank vừa triển khai các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt áp dụng đến hết năm 2014 dành riêng cho các DNNVV và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền tài trợ lên tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu từ là 8,5%/năm. TPBank, tuy không phải là ngân hàng quy mô vốn lớn, cũng dành ra 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp nhất 8%/năm. Còn BIDV đang có chương trình ưu đãi 5.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay sản xuất kinh doanh từ nay đến hết tháng 8/2014 với lãi suất 8%/năm trong tháng đầu tiên; lãi suất 9,5%/năm trong 3 tháng đầu tiên...

Như vậy, có thể nói, khi LSHĐ tiếp tục giảm, cùng với việc các NHTM tiết kiệm chi phí để đẩy mạnh tín dụng thì khả năng tiếp cận vốn rẻ cho người dân và DN trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội.

Theo Chí Kiên

thunm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên