Thị trường tài chính còn quá rủi ro vì thiếu tổ chức giám sát
Hai thập kỷ cải cách, thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là các rủi ro chéo trong khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống của nền kinh tế.
Sáng ngày 27/8, hội thảo “Triển lãm Tài chính Việt Nam 2013 - Vietnam Finance" với chủ đề Tăng cường Giám sát tài chính Quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ” do Bộ Tài chính kết hợp với IDG Vietnam chính thức khai mạc
Trao đổi xung quanh hội thảo, ông Hà Huy Tuấn – phó chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, thị trường tài chính Việt Nam hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu cơ quan giám sát.
An toàn tài chính: Thiếu người giám sát
Cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á năm 1997, cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn quốc năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã cho thấy các cuộc khủng hoảng đều có chung một đặc điểm, đó là việc quản lý tín dụng và chu kỳ giá cả tài sản, đặc biệt là đối với bất động sản chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến việc mất cân đối giữa thu nhập và giá cả tài sản và hệ quả là nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình thu nhập thấp không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông Tuấn phân tích, nhìn vào diễn biến trên thị trường tài chính Việt Nam, có thể thấy rằng sau hơn hai thập kỷ cải cách vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Đặc biệt là tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô cũng như từ các cú sốc bên ngoài.
"Điều này đặt ra vấn đề là cần phải thành lập những cơ quan chuyên việc giám sát an toàn tài chính vĩ mô. Hiện tại các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính (NHNN, Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bảo hiểm tiền gửi) vẫn chưa có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng trong vấn đề này. Trước đây, NHNN đã từng xây dựng báo cáo giám sát vĩ mô. Tuy nhiên báo cáo này chưa đúng là một báo cáo giám sát an toàn vĩ mô theo thông lệ quốc tế", ông Tuấn cho biết.
Ông Hà Huy Tuấn - phó chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia
Khó xây một hệ thống giám sát "vừa" Việt Nam
Theo vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, hai nhiệm vụ chính mà hệ thống giám sát tài chính vĩ mô cần làm đó là: Ngăn ngừa việc hình thành/phát sinh rủi ro hệ thống bằng việc quản lý tín dụng và chu kỳ giá cả tài sản; một điểm nữa là tăng cường sức chịu đựng của hệ thống tài chính trước các các cú sốc hệ thống.
Trên thế giới, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng xây dựng các cơ chế giám sát tài chính vĩ mô với việc thành lập các tổ chức có quyền lực thực sự trong việc xử lý các lỗ hổng đe dọa sự ổn định tài chính. Các tổ chức này tên thường gọi là Ủy ban/Hội đồng ổn định tài chính.
Còn tại Việt Nam, sau năm 2008, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác giám sát tài chính, cụ thể là việc nhất trí với World Bank và IMF triển khai đề án Đánh giá khu vực tài chính (FSAP). Việc triển khai FSAP sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách an toàn vĩ mô cũng như nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Tuy nhiên, FSAP vẫn đang nằm trên bàn để Chính phủ phê duyệt.
"Những chính sách, khuôn khổ, các công cụ phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính nước ta chưa hoàn thiện, hệ thống chỉ tiêu giám sát an toàn vĩ mô và đặc biệt là kỹ năng kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống tài chính mới chỉ trong đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai", ông Tuấn cho biết.
Đề ra giải pháp tạm thời, theo ông Tuấn, trước mắt để nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô, cần chú trọng nhất đến kỷ luật thị trường nhằm giảm tối đa các chi phí quản lý không cần thiết của việc giám sát an toàn vĩ mô.
"Về trung và dài hạn, chúng ta cần phải đánh giá toàn diện thực trạng và khả năng triển khai hoạt động giám sát an toàn vĩ mô tại Việt Nam, từ đó xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này và một cơ chế điều phối thực sự có hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính (bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Cơ quan bảo hiểm Tiền gửi) cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt nam", ông Tuấn nhận định.
Trang Lam