MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc NHNN: Ép lãi suất giảm sẽ tạo nguy cơ cho tín dụng đen hoạt động

28-04-2014 - 20:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Đồng tình và chia sẻ sâu sắc với ý kiến của nhiều DN về việc tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất không nên quá khiên cưỡng.

Sáng 28/4 tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2014, câu chuyện tiếp cận tín dụng khó khăn một lần nữa lại được lãnh đạo Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI và  lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhắc đến.

Theo đó, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (DNVVN) đề xuất với Thủ tướng việc hạ lãi suất xuống thấp và nới lỏng các điều kiện vay vốn hơn nữa để các doanh nghiệp có thể vay vốn dễ dàng hơn, theo hướng chú trọng các dự án có tính khả thi, thay vì chỉ để ý đến tài sản thế chấp.

Đáp lại những kiến nghị này, người đứng đầu NHNN cho biết:  NHNN hoàn toàn nhất trí với đánh giá, phân tích của HH DNVVN nêu ra về 3 nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn của DN còn khó khăn. 

Nhất là việc các ngân hàng thương mại tỏ ra rất thận trọng khi cho vay, điều kiện vay vốn của rất chặt chẽ; lãi suất giảm nhưng vẫn cao so với khả năng của các DN nhỏ và vừa.

Lý giải điều này, ông Bình cho biết: “Trong tổng dư nợ của nền kinh tế, dự nợ cho DN nhỏ và vừa chiếm xấp xỉ 60%. Do vậy, có bất kỳ khó khăn gì trong hoạt động của khối DN này đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam.”

Dù NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng quan trọng hiện nay vẫn là triển khai làm sao để chính sách có thể đến với DN.

Việc các ngân hàng thương mại (NHTM) thận trọng vì cho vay DNVVN tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho NH, nếu không thận trọng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên.” – Ông Bình lưu ý.

Ngoài ra theo Thống đốc Bình, lãi suất giảm nhưng vẫn cao là vấn đề đặt ra, hệ thống NHTM hoạt động trên nguyên tắc thị trường, phải có cơ chế khác để hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên “Hạ lãi suất nữa thì lại phải giải quyết được vấn đề là dân có gửi tiền vào NHTM nữa hay không?  Nếu dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề: Dân sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác mà Chính phủ không khuyến khích như USD, ngoại tệ, vàng... 

Do vậy, phải cân đối, làm sao đảm bảo được giá trị tiền đồng, đảm bảo được nguồn vốn của nền kinh tế vận hành, đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng.”  - Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bình vẫn hứa với các doanh nghiệp, trong điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay; nếu có điều kiện để giảm thì lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. 

“Từ đầu năm đến nay đã giảm có lĩnh vực được 0,5%; cả năm giảm cỡ 1,5 đến 2%. Tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Nếu có thì điều chỉnh không quá 2% cả năm. Sau 5 tháng khẳng định rằng tiếp tục ổn định, nếu phải điều chỉnh chỉ 1% nữa thôi. Thanh khoản của NH đang rất tốt. Đang dự trữ vốn để bất kể lúc nào thị trường khởi sắc thì có vốn ra ngay mà không ảnh hưởng đến lạm phát. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất trên 35 tỷ USD. 

Lãi suất trên 13% chỉ chiếm 16% trên tổng dư nợ. Tính trước ngày 15-7-2012 thì 70% dư nợ có lãi suất trên 15%, còn đến nay lãi suất trên 15% chỉ còn 5%. Điều đó chi thấy rằng đã có một bức tranh thay dổi về cơ cấu lãi suất rất lớn.” – Ông Bình cho hay.

Thống đốc NHNN cũng cho biết thêm, lãi trên 13% rơi vào mấy lĩnh vực như: 

Một là cho vay tiêu dùng. Theo thông lệ quốc tế và sự rủi ro thì các TCTD tính lãi suất cao là hợp lý. Chỗ này tránh được nền kinh tế cho vay nặng lãi. Nếu cứ ép các NH giảm lãi suất thì họ không thể cho vay ra được, là môi trường cho tín dụng đen phát triển.

Thứ 2 là lĩnh vực bất động sản: Bất động sản thực sự có hiệu quả, đã tổng hợp lại có rất nhiều dự án đang triển khai sẵn sàng vay với lãi suất 14 – 15% do DN có lợi nhuận cao hơn nhiều nên họ sẵn sàng chi trả, miễn là có vốn. Loại thứ 2 là DN bất động sản trên thực tế là chết rồi, không cơ cấu lại nữa, cứ để đấy thôi.

Khoản thứ 3 là nợ quá hạn chứ chưa đến mức nợ xấu, áp dụng lãi suất chậm trả có thể bị phạt 150% chẳng hạn. 

Đối với các DN không còn khả năng tồn tại thì  NH để đó thôi, chứ nếu trả được chỉ cần 1 phần gốc thôi  cũng sẵn sàng xóa cả gốc lẫn lãi. Việc phạt là để gây áp lực với DN thôi chứ nếu trả được thì trả gốc đã phấn khởi rồi.” 


Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên