Thủ tướng: Năm 2014 – 2015 sẽ bán cổ phần của 4 trong 5 NHTMNN đã cổ phần hóa
Thủ tướng cho biết sẽ tái cơ cấu toàn diện các TCTD nhất là các NHTMCP yếu kém; tiếp tục cổ phần hóa các NHTM quốc doanh và xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo.
Phát biểu tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam VDPF – 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Năm 2013 tăng trưởng GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm từ 2011-2013 tăng 6,5%/năm (tuy còn thấp hơn mức 7,2% giai đoạn 2006-2010 ), đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2011-2013 Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 3 năm qua xuất khẩu liên tục tăng, 11 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2%. Nhập siêu giảm mạnh, năm 2013 chỉ còn khoảng 500 triệu USD.
Vốn ODA kí kết và giải ngân đạt kết quả khá. 11 tháng năm 2013 giải ngân đạt trên 4 tỷ USD, tăng 13,5% tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 21 tỷ USD tăng 54,2%; số giải ngân đạt khoảng 11,,5 tỷ USD.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối khoảng 12 tuần nhập khẩu (dự trữ ngoại hối tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần nhập khẩu vào cuối 2011 và khoảng 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2012, 2013).
Tình trạng đô la hóa, vàng hóa giảm đáng kể, niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên.
Năm 2014 – 10 năm Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế… Nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013-2014 lên mức 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều hành giảm dần. Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển, trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia đảm bảo trong giới hạn an toàn.
Tái cơ cấu nền kinh tế năm 2011-2013 Việt Nam tập trung vốn cho các dự án quan trọng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, tỷ trọng vốn khu vực ngoài Nhà nước tăng.
Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng: các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu lại. Năm 2012 và 9 tháng 2013 đã giảm 5 TCTD thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; rút giấy phép 3 chi nhánh NH nước ngoài. Cổ phần hóa 4 NHTM Nhà nước.
Đã kiềm chế được gia tăng nợ xấu. Trong 8 tháng đầu năm 2013 tốc độ tăng nợ xấu là 2,52%/tháng, giảm đáng kể so với tốc độ bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm 2012. Và dự kiến hết năm 2013 công ty VAMC xử lý từ 30.000 -35.000 tỷ đồng nợ xấu.
Tái cơ cấu DNNN đã tập trung vào những lĩnh vực then chốt và cung ứng dịch vụ công thiết yếu. Chính phủ và các bộ, địa phương đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu của 68 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (trong đó Thủ tướng phê duyệt 19/21 đề án). Đã dừng thí điểm mô hình kinh tế đối với 2 tập đoàn trong ngành xây dựng, chuyển đổi tập đoàn Vinashin thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Cổ phần hóa DNNN từ 12.000 (đầu năm 1990) đến nay còn hơn 1.000 DN, không kể 249 nông lâm trường quốc doanh.
Năm 2014-2015 Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Về tái cơ cấu đầu tư trọng tâm là đầu tư công, triển khai thưc hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp hiệu quả việc phân bổ nguồn lực giữa trung ương và địa phương cho phát triển kinh tế vùng.
Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, vốn đối ứng công trình trọng điểm, vốn ODA, vốn tham gia các dự án PPP. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Về tái cơ cấu ngân hàng và thị trường tài chính, tái cơ cấu toàn diện các TCTD nhất là các NHTMCP yếu kém. Tiếp tục cổ phần hóa các NHTM quốc doanh. Xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu nâng cao hoạt động của công ty VAMC. Năm 2014 xử lý 100.000- 150.000 tỷ đồng nợ xấu.
về tái cơ cấu DNNN: Đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường.
Năm 2014 – 2015 chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1 trong 8 tập đoàn kinh tế, 5 trong 10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty này) và bán tiếp cổ phần của 4 trong 5 NHTM Nhà nước đã CPH, tạo đà hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020.
Khánh Linh