Tỉ giá trung tâm tiêu trừ dần đô la hóa
Đó là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sau 2 tháng Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá theo cách mới
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường sau khi tỉ giá trung tâm được áp dụng?
Tỉ giá trung tâm đã chứng tỏ được tính hiệu quả qua việc ổn định thị trường 2 tháng qua. Thị trường ngoại tệ không có những biến động trước khi kết thúc năm âm lịch - thời điểm mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao. Không những thế, tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng (NH) đã giảm từ 22.547 đồng/USD (mức kịch trần) xuống còn khoảng 22.380 đồng/USD.
Với tỉ giá trung tâm được NH Nhà nước thông báo hằng ngày, tâm lý đầu cơ đã giảm hẳn vì khó lường trước biến động tỉ giá của hôm sau. NH Nhà nước không còn cam kết giữ tỉ giá trong một biên độ nhất định nên giới đầu cơ không dám găm giữ USD để chờ khi phá giá VNĐ bán ra kiếm lời. Điều này giúp tiêu trừ dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế Việt Nam.
Trong một số thời điểm, tỉ giá giao dịch của các NH thương mại không thuận chiều với tỉ giá trung tâm nhưng sau đó lại nhanh chóng đi theo “quỹ đạo”. Sự “trườn bò” này nói lên điều gì?
- Do tỉ giá trung tâm mang tính dẫn dắt thị trường nên không phải lúc nào cũng cùng chiều với tỉ giá của các NH thương mại. Liều lượng và hướng điều chỉnh tỉ giá trung tâm tùy vào cách tính toán của NH Nhà nước dựa trên 3 yếu tố: tỉ giá bình quân liên NH của ngày hôm trước, biến động tỉ giá của nhóm đồng tiền 8 quốc gia có quan hệ mậu dịch lớn với Việt Nam, sự cân nhắc của NH Nhà nước trước những chỉ số kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, các NH thương mại có thể có những nhận định trái chiều với NH Nhà nước. Vì thế, họ đưa ra giá mua, bán không thuận chiều với tỉ giá trung tâm.
Tuy nhiên, tỉ giá trung tâm và tỉ giá trên thị trường cũng không cách nhau quá xa bởi NH Nhà nước cho phép tỉ giá tại các NH thương mại dao động trong biên độ ± 3%. Quan sát thị trường trong 2 tháng qua, tôi thấy tỉ giá trung tâm đã thật sự dẫn dắt thị trường.
Gần đây, tỉ giá đã giảm được áp lực nhờ có nhiều yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, Việt Nam bất ngờ xuất siêu 700 triệu USD trong tháng 1-2016, tỉ giá đồng nhân dân tệ giảm nhẹ trong tháng 2-2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng lưỡng lự trong việc tăng lãi suất USD và nhất là kiều hối tăng mạnh trong thời gian trước Tết. Mặt khác, tỉ lệ lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2016 cũng đã góp phần làm tăng giá trị của tiền đồng và củng cố lòng tin của người dân vào đồng nội tệ.
Như vậy, đâu là những điểm mấu chốt, mang tính đột phá?
- Điểm mấu chốt của tỉ giá trung tâm là linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường, không còn neo cứng vào tỉ giá cố định trong một thời gian như trước đây. Cơ chế tỉ giá trung tâm cũng được trợ lực bởi nhiều biện pháp của NH Nhà nước vào cuối năm 2015, như: giảm lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0%, bán USD qua kỳ hạn cho các NH thương mại. Từ đó, các NH thương mại mạnh dạn bán trước USD cho khách hàng.
Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) không sử dụng nhiều hợp đồng kỳ hạn bởi họ không quen sử dụng sản phẩm phái sinh này. Mặt khác, DN e dè mua ngoại tệ kỳ hạn cũng là do chi phí quá lớn bởi giá ngoại tệ kỳ hạn được tính trên cơ sở chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD. Hiện nay, chênh lệch lãi suất VNĐ, kỳ hạn 12 tháng lên đến 7%. Trong khi đó, theo nhiều dự báo, tỉ giá VNĐ/USD của năm 2016 biến động khoảng 5%. Vì thế, nhiều DN sẵn sàng chấp nhận rủi ro tỉ giá hơn là ký hợp đồng kỳ hạn bởi họ phải mua ngoại tệ kỳ hạn với mức giá cao hơn nhiều so với mức giá tại thời điểm cần ngoại tệ.
Ông cho rằng cách thức điều hành tỉ giá mới phù hợp với điều kiện và bối cảnh của nền kinh tế hiện nay?
- So với trước đây, cách thức điều hành tỉ giá mà NH Nhà nước đang áp dụng đã bám sát cung cầu trên thị trường. Hiện nay, tâm lý đầu cơ vẫn còn, việc găm giữ USD vẫn chưa được triệt tiêu, thị trường tài chính của thế giới vẫn tiếp tục biến động khó lường thì cơ chế điều hành tỉ giá có kiểm soát sẽ bảo đảm tính ổn định, củng cố lòng tin của người dân vào VNĐ.
Việc điều chỉnh tỉ giá theo tín hiệu thị trường cũng phù hợp với bối cảnh hội nhập vì các hiệp định thương mại đều đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế điều hành tỉ giá mang tính thị trường. Ngay cả Trung Quốc, một quốc gia trước đây theo đuổi chính sách đồng nhân dân tệ mạnh với chế độ kiểm soát hối đoái chặt chẽ, cũng đang dần đưa đồng nhân dân tệ vào quỹ đạo thả nổi có kiểm soát.