Tín dụng đen: làm gì để chặn vòi bạch tuộc?
Tín dụng đen đang như một chiếc vòi bạch tuộc, len lỏi khắp nơi, thu hút khá nhiều vốn nhàn rỗi của người dân.
Trong hai ngày 7 và 8/1/2014, Tòa án nhân dân TP HCM đã xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 5000 tỷ đồng.
Cách để Huyền Như - một nhân viên tín dụng Ngân hàng Vietinbank huy động được vốn chính là phương thức vay và cho vay nặng lãi (hay còn gọi là “tín dụng đen”). Vụ án này tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo đối với thực trạng “tín dụng đen” vẫn như những chiếc vòi bạch tuộc âm thầm len lỏi khắp nơi, đặc biệt ở các vùng quê.
Thử tìm từ khóa “Huỳnh Thị Huyền Như” trên trang mạng tìm kiếm Google, chỉ trong sau vài giây đã hiện ra 1,5 triệu kết quả. Điều đó cho thấy, thông tin về vụ án siêu lừa gần 5000 tỷ đồng thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Tương tự, sau 23 giây, Google cũng cho tới 1,95 triệu kết quả liên quan đến tín dụng đen. Thế nhưng, tất cả chỉ khuấy động dư luận một thời gian, rồi lại lắng xuống, và lại có những nạn nhân của các “Huyền Như phẩy”, số tiền bị lừa có thể nhỏ hơn, nhưng phương thức vẫn không hề thay đổi, vẫn là những lời dụ dỗ ngon ngọt về lãi suất cắt cổ.Vì sao Huyền Như có thể huy động được tới gần 5000 tỷ đồng một cách dễ dàng chỉ trong vòng 1,5 năm? Đó là nhờ mức lãi suất quá hấp dẫn, có lúc lên tới 3,7%/ngày, tức là nếu có 100 triệu cho Huyền Như vay thì sẽ thu về được 3,7 triệu đồng/ngày, một con số quá lớn, nếu như so với lãi suất gửi tiết kiệm giờ chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tháng. Vì thế cũng khó trách những người có tiền, các doanh nghiệp có vốn, vì có vẻ như cho vay nặng lãi còn hấp dẫn hơn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Chính cách nghĩ này đã làm cơ sở cho tín dụng đen phát triển, khi nhiều người muốn sinh lời nhanh mà không đặt câu hỏi: phần lãi mình nhận được có từ đâu? Rõ ràng là nếu sản xuất, kinh doanh đơn thuần thì mức lợi nhuận 20% trên tổng vốn kinh doanh đã là con số trong mơ, nên không thể hi vọng những đồng tiền huy động từ cho vay nặng lãi được đầu tư vào những ngành sản xuất kinh doanh đơn thuần, hợp pháp. Vậy thì lãi đó từ đâu ra? Có nhiều phần sẽ là từ những hành vi phi pháp, như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm… và cho vay nặng lãi tiếp. Mà đã phạm pháp thì sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện, phải trả giá.
Cứ như vậy, vòng quay của đồng vốn thực chất là vòng quay ảo, lợi nhuận đạt được sẽ không bền vững. Thế nhưng, rất tiếc là sẽ có ít người nghĩ được sâu xa như vậy khi nghe đến mức lãi suất hấp dẫn kia.
Tất nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn nghiêm túc cũng phải chấp nhận vay vốn với lãi suất cao trong thời gian ngắn để xử lý mục tiêu trước mắt. Khi đó, họ phải chấp nhận lãi suất cực cao, nhưng đổi lại là thời gian vay vốn nhanh, thủ tục đơn giản, trong khi vay vốn ngân hàng thường vướng thủ tục và mất nhiều thời gian. Đây chính là một kẽ hở để tín dụng đen phát triển.
Tín dụng đen đang như một chiếc vòi bạch tuộc, len lỏi khắp nơi, thu hút khá nhiều vốn nhàn rỗi của người dân. Theo con số thống kê không chính thức, số vốn trên thị trường tín dụng đen có thể lên tới 50 tỷ USD – một con số khổng lồ. Khi chưa có sự vụ gì xảy ra, nhiều người đã coi tín dụng đen như “phao cứu sinh” hoặc nguồn lợi bất ngờ đối với gia đình mình, doanh nghiệp mình. Vì vậy, khi kinh tế tăng trưởng tốt, các “chân rết” tín dụng đen hoạt động rất mạnh. Khi một vụ án tín dụng đen vỡ lở, hàng nghìn con người, hàng trăm doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu hậu quả của nó. Tan cửa, nát nhà, cơ đồ tiêu tán, gia đình ly tan. Kinh tế càng khó khăn, đổ bể tín dụng đen càng nhiều.
Để ngăn chặn vòi bạch tuộc này, đã có nhiều ý kiến được đưa ra như cơ sở pháp luật chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Hoạt động ngân hàng còn thiếu linh hoạt, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cá thể còn khó khăn và phiền hà. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ thiếu thông tin của người dân.
Sự thiếu thông tin đó đã mở đường cho hàng loạt tính xấu như tính hám lợi, coi thường pháp luật…dẫn tới hoạt động tín dụng đen ngày càng phát triển. Bởi vậy, muốn diệt trừ tận gốc tín dụng đen, thì cần quy định rõ trách nhiệm của cả những cá nhân tham gia mạng lưới này.
Theo Thu Thùy