MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng sắp được khơi dòng

27-05-2013 - 12:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi nợ xấu - hòn đá tảng chắn dòng tín dụng được “dịch chuyển”, dòng chảy tín dụng sẽ tăng tốc.

Mặt bằng lãi suất vẫn trong xu thế giảm thấp; gói tín dụng hỗ trợ nhà ở bắt đầu được triển khai; NHNN chuẩn bị đưa Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vào hoạt động; Những giải pháp này được triển khai đồng loạt trong thời gian tới cộng thêm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh đang được Chính phủ quyết liệt triển khai sẽ tạo thành lực đẩy cho tín dụng tăng trưởng những tháng cuối năm.

Hôm 23/5, BIDV tuyên bố dành đến 10.000 tỷ đồng cho gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Và chỉ trong năm nay, ngân hàng này sẽ giải ngân khoảng 2.700 tỷ đồng cho chương trình. BIDV chỉ là một trong số 5 NHTM Nhà nước tham gia vào tín dụng hỗ trợ nhà 30.000 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý ở đây là NHNN không phân bổ chỉ tiêu, ngân hàng nào triển khai nhanh, nhiều thì NHNN căn cứ vào đó mà tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay 1,5%/năm. “Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ dành 10 ngàn tỷ đồng cho chương trình này”, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT của BIDV khẳng định. Vô hình trung, điều này sẽ tạo động lực để các NHTM này triển khai chương trình nhanh hơn.

Thêm vào đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN khuyến khích các NHTM nếu có thể thu xếp thì tăng nguồn vốn cho chương trình này. Do đó, vốn tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ không dừng lại ở 30.000 tỷ đồng. Lãnh đạo một NHTMCP tính toán: Mức lãi suất cho vay theo chương trình này tối đa chỉ là 6%/năm, là mức thấp, các NHTM phải bù lỗ. Thế nhưng, hiện nhiều NHTM đang rất dư thừa vốn.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, trong khi tín dụng tăng 2,11%. Ngân hàng sẽ chấp nhận cho vay với lãi suất thấp (cho dù không được NHNN hỗ trợ 1,5% lãi suất), còn hơn để tiền “chết” ở két, trong khi vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền (ít nhất 7,5%/năm).

DN cũng được vay vốn hỗ trợ từ chương trình, đồng nghĩa với việc sẽ có tiền để DN hoàn thành hoặc triển khai dự án nhà ở mới, tạo thành lực cầu nhất định cho nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản; góp phần giải phóng nguyên vật liệu tồn kho… Và như vậy sẽ tác động ngược trở lại nhu cầu vay vốn, không chỉ của DN mà cả người dân khi lực cầu của nền kinh tế được cải thiện.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia về tác động lan tỏa của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.

Đặc biệt việc VAMC đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu tại các TCTD, từ đó góp phần khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết và ban hành các cơ chế để VAMC sớm đi vào hoạt động nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Khi nợ xấu - hòn đá tảng chắn dòng tín dụng được “dịch chuyển”, dòng chảy tín dụng sẽ tăng tốc. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ thì cần có thêm các giải pháp đồng bộ hơn để tăng tổng cầu, như: Cần có giải pháp hỗ trợ thị trường và tiêu thụ sản phẩm để có thể tăng khả năng hấp thụ vốn của DN. Thứ hai, thực hiện quyết liệt cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các DN; thứ ba giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, qua đó làm tăng khả năng tiếp cận vốn của DN…

Quý III cũng sẽ là thời điểm đến “độ trễ chính sách” của hàng loạt biện pháp mà NHNN và các cơ quan quản lý khác đã triển khai từ đầu năm đến nay. Do đó, nhiều DN bắt đầu có thể vực dậy sản xuất, kinh doanh để hoàn thành kế hoạch năm. Và bản thân các TCTD cũng phải tăng tốc, nhằm bù lại tốc độ tăng trưởng chậm những tháng vừa qua; cải thiện doanh thu khi sức ép của cổ đông về lợi nhuận ngân hàng luôn hiện hữu.

Nếu NHNN quyết định tạm dừng thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì đó cũng là một cách tiếp sức cho các TCTD trong hoạt động tín dụng những tháng cuối năm.


Theo Ngân Hà

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên