MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín hiệu lành mạnh của nền kinh tế

28-03-2014 - 09:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như dòng tiền chảy sang các kênh khác như bất động sản, chứng khoán… mà có thể giúp phục hồi các thị trường đầu tư này thì cũng gián tiếp đưa vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên về tình hình huy động vốn của NH sau hơn 1 tuần giảm trần lãi suất huy động (LSHĐ) tiền gửi VND kỳ hạn ngắn, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, tốc độ gửi tiền tiết kiệm của người dân không cao như trước nhưng dòng tiền chạy vào NH vẫn ổn định. Và việc giảm trần LSHĐ dưới 6 tháng về mức 6%/năm không ảnh hưởng nhiều đến huy động vốn NH.


Ông Nguyễn Đình Tùng

Ông có lo ngại dòng tiền chảy ra khỏi NH?

Thực ra tôi nghĩ không nên đặt vấn đề lo ngại dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng trong ngắn hạn. Tại Việt Nam, về nguyên tắc lãi suất có quan hệ chặt chẽ với lạm phát. Nếu như mức lãi suất thấp hơn lạm phát kỳ vọng chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến huy động vốn của ngân hàng.

Nhưng thực tế diễn biến chỉ số CPI từ đầu năm đến nay so với mức LSHĐ hiện tại thì người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương. Và nếu lạm phát năm nay ở quanh mức 6% thì lãi suất tiền gửi trung bình hiện vẫn trên mức này.

Qua mấy năm vừa rồi, chúng ta đều thấy khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ cũng như NHNN rất tốt. Do đó, trừ biến động quá phức tạp từ thị trường thế giới hoặc vấn đề đột biến gì trong nước, có thể nói dự báo lạm phát có độ tin cậy cao. Và như vậy, mức lãi suất trên có thể chấp nhận được đối với người gửi tiền.

Về dài hạn, nhiều ý kiến cho rằng, khi dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản thì kênh gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn?

Tôi nghĩ rằng, nếu như dòng tiền chảy sang các kênh khác như bất động sản, chứng khoán… mà có thể giúp phục hồi các thị trường đầu tư này thì cũng gián tiếp đưa vào khu vực sản xuất kinh doanh. Và khi chảy vào hoạt động kinh doanh thì sau một vòng sẽ chảy lại vào NH. Bởi tiền vào tiêu dùng, kinh doanh thì có thể chạy từ túi cá nhân sang DN, nhưng tiền của DN thì vẫn phải gửi NH thông qua các tài khoản thanh toán. Hay nói cách khác, qua các công cụ khác nhau, tiền chạy vòng quanh vẫn qua cửa NH.

Mặt khác, nguồn vốn của NH không chỉ đến từ người dân mà còn đến từ hoạt động thanh toán của DN. Thậm chí còn đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu kinh tế tốt lên, thị trường chứng khoán hấp dẫn, tạo ra sức hút đối với NĐT nước ngoài cũng gián tiếp tạo nguồn tiền chảy vào NH trong tương lai.

Do vậy, việc giảm LSHĐ có thể tác động đến lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân nhưng dòng chảy vốn vào NH sẽ được bù đắp từ hoạt động DN. Đây chính là tín hiệu lành mạnh của nền kinh tế. Bởi, nếu trong xã hội, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động gửi tiền còn cao hơn các hoạt động khác là vấn đề nguy hiểm cho nền kinh tế. Tức là người dân chỉ nghĩ đến tiết kiệm, tiền chỉ để “chết” trong két. Vì gửi tiền lãi hơn thì chả tội gì họ phải kinh doanh làm gì. Lúc bấy giờ cả cung và cầu đều đi xuống, kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ. Do đó, theo tôi nếu như có hiện tượng dòng tiền chảy khỏi NH vào các kênh này đều là tốt.

LSHĐ đã giảm, vậy khi nào NH có thể giảm tiếp lãi suất cho vay?

Hiện NH đã giảm lãi suất cho vay (LSCV) đối với một số đối tượng khách hàng nhưng chưa thể giảm một cách rộng rãi được vì hoạt động kinh doanh của ngân hàng là một chu trình. Nhiều NH đang phải trả lãi cao cho những khoản huy động trước đây.

Ví dụ cách đây 3 tháng, huy động các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 7%/năm đến thời điểm này vẫn chưa đáo hạn; hoặc có nhiều khoản tiền gửi kỳ hạn 9 – 12 tháng lãi suất cao hơn ở mức 9%/năm. Phải chờ nhiều tháng nữa các khoản tiền gửi này mới đáo hạn. Cho nên ngay tại thời điểm này thì việc hạ LSHĐ chưa tác động nhiều đến lãi suất đầu ra, nhưng chắc chắn trong dài hạn các NH tiết kiệm được chi phí vốn sẽ giảm LSCV nhiều và rộng hơn.

Theo tôi, mức LSCV như hiện nay là tương đối hợp lý và chắc chắn sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng. Năm 2014, OCB được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 10%. Nếu tăng trưởng tốt OCB sẽ xin nới room tín dụng. Cụ thể như năm 2013, OCB đã xin NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng 20%.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Thanh Huyền

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên