MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tỉnh" với lãi suất khi đi vay ngân hàng

29-08-2014 - 23:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Có 4 điều căn bản bạn cần thu thập thông tin đầy đủ trước khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng. Đừng để con số lãi suất thấp làm hoa mắt.

Với những diễn biến trên thị trường ngân hàng trong thời gian qua, có thể nói, đây là thời điểm thuận lợi cho người có nhu cầu vay vốn khi mặt bằng lãi suất đã giảm 0,5-1,5% kể từ đầu năm - ngang bằng với giai đoạn trước khi kinh tế bước vào khó khăn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra những gói cho vay với mức lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, để tránh những tình huống không mong đợi liên quan dến lãi suất sau khi vay, khách hàng cần xem xét kỹ các quy ước về lãi suất của ngân hàng định vay cả trong thời gian ưu đãi lẫn sau đó. 

Một chuyên viên tín dụng của ngân hàng quốc tế - VIB nói với người viết “đừng vội mừng với vài dòng quảng cáo.”

1. Thời gian áp dụng mức ưu đãi lãi suất

Trong các chương trình/gói cho vay ưu đãi, các ngân hàng thường đưa ra những con số lãi suất rất ấn tượng để thu hút khách hàng. Nhưng lãi suất này chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định và bạn nên tìm hiểu kỹ để thông tin chính xác về tổng mức ưu đãi lãi suất được hưởng. Hiện một số ngân hàng cũng truyền tải rõ ràng thông tin ưu đãi đến khách hàng, nhưng một số thì chỉ tập trung nói vào lãi suất thấp để thu hút.

2. Phí thu hồi lãi suất ưu đãi và phí trả nợ trước hạn

Khi tham gia một khoản vay ưu đãi, thông thường bạn sẽ được yêu cầu không được trả nợ trước hạn trong một thời gian nhất định. Nếu không, bên cạnh khoản phí trả nợ trước hạn, bạn sẽ phải trả lại phần ưu đãi lãi suất đã được hưởng cho ngân hàng (còn gọi là phí thu hồi lãi suất ưu dãi). Điều này cũng tương tự như khi bạn gửi tiết kiệm và nhận thêm quà bên cạnh lãi suất theo quy định thì bạn sẽ không được rút khoản tiền tiết kiệm này trước hạn. Vì vậy, hãy hỏi nhân viên ngân hàng về thời gian quy định không trả nợ trước hạn và các khoản phí ngay từ đầu để có kế hoạch trả nợ phù hợp nhất. Nhiều khi khoản phạt trả nợ trước hạn còn quá tội.

3. Lãi suất tính trên dư nợ giảm dần hay ban đầu

Hiện một số ngân hàng niêm yết lãi suất cho vay rất thấp để đánh vào tâm lý “lãi suất nhìn thấy thấp” nhưng thực ra lãi suất này được tính theo dư nợ gốc. Kết quả, khoản tiền lãi khách hàng phải trả có khi gấp đôi, nếu so sánh với tính theo dư nợ giảm dần. Cách tính lãi suất theo dư nợ gốc có nghĩa là dù bạn đã trả gần hết nợ gốc thì lãi suất vẫn tính theo số tiền bạn vay ban đầu, theo đó, người đi vay sẽ “thiệt” hơn so với cách tính lãi trên dư nợ giảm dần. Do vậy, khi đi vay, khách hàng nên làm rõ với nhân viên tư vấn xem trường hợp của mình áp dụng cách tính nào, để có được quyết định vay có lợi nhất.

4. Ước tính lãi suất sau thời gian ưu đãi

Thông thường, sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay thường được thả nổi theo thị trường. Để chủ động hơn trong kế hoạch tài chính, người đi vay nên ước tính trước lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ như thế nào.

Hiện nay, trần lãi suất cho vay đã được một số ngân hàng thực hiện niêm yết công khai, đây có thể là cơ sở tham khảo để khách hàng tính toán mức lãi suất sau thời gian ưu đãi. Bên cạnh đó, đã có ngân hàng cố định biên độ lãi suất khi tính lãi suất vay trong suốt thời gian vay cho khách hàng. Ví dụ ngân hàng VIB đưa ra cách tính lãi suất vay bằng lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng cộng thêm 3,5%/năm cho những khoản vay thỏa điều kiện trong suốt thời gian vay hoặc sau thời gian ưu đãi.

Theo một nghiên cứu gần đây cũng của ngân hàng này, tỷ lệ nhận biết các sản phẩm vay ngân hàng của khách hàng đã tăng gần 13% so với 1 năm trước và vẫn có chiều hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này không chỉ phản ánh mức độ quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm vay mà còn cho thấy sự gia tăng phổ biến thông tin vay của các ngân hàng. Nắm bắt thông tin các sản phẩm vay của ngân hàng hiện nay không hề khó. 

N.Linh

tungdn2

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên