Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD: Cần minh bạch, tránh tùy tiện trong việc áp dụng
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, TS. Nguyễn Đình Quyền thừa nhận, việc thiếu định lượng hậu quả trong Điều 210 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) và không phân biệt ranh giới giữa chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự dễ tạo kẽ hở để các cơ quan thực thi pháp luật lạm quyền.
TS. Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đây là Bộ luật lớn, rất khó về mặt hoạch định chính sách và kỹ thuật lập pháp, việc hoạch định chính sách của hình sự phải cụ thể từng chế định, từng quy phạm, từng điều luật, từng tội danh, do đó mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng Bộ luật vẫn còn không ít hạn chế và bất cập, hạn chế và bất cập đó chưa khắc phục tháo gỡ một cách căn bản những khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Bộ luật Hình sự trong thời gian qua.
Cụ thể là những vấn đề định lượng vẫn chưa được quy định cụ thể, kể cả trong cấu thành cơ bản và cấu thành định khung, nhất là số lượng lớn và số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Khung hình phạt còn quá dài, chưa hợp lý, dễ tùy tiện trong việc áp dụng.
Việc phân loại tội phạm thiếu các tiêu chí cụ thể nên còn bất cập chưa là cơ sở quan trọng chính xác để làm căn cứ xây dựng cấu thành cơ bản, cấu thành định khung và chia khung hình phạt. Cấu thành cơ bản, cấu thành định khung của không ít tội danh còn rất chung mà những tội danh đó trên thực tế áp dụng còn nhiều vướng mắc, thậm chí dẫn đến hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự như: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo cho vay nặng lãi, thiếu tinh thần trách nhiệm cố ý làm trái...
“Tôi cho rằng đây là những vấn đề xương sống cần phải được rà soát, sửa đổi một cách kỹ lưỡng, công phu thì mới phúc đáp được yêu cầu thực tế trong việc áp dụng pháp luật hình sự, cũng như phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, TS. Nguyễn Đình Quyền cho hay.
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng, nhiều DN có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, mong muốn tham gia đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn, có tính khả thi cao, nhưng không vay được vốn vì hết tài sản thế chấp, cho vay thế chấp là điều kiện bắt buộc đối với các DN ngoài quốc doanh.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị và Thống đốc NHNN cũng đã có văn bản khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp nhưng trên thực tế các TCTD vẫn ngại mở rộng cho vay tín chấp do các quy định của pháp luật hiện hành chưa rõ ràng và đồng bộ. Nếu ngân hàng cho vay tín chấp mà để xảy ra việc không thu được vốn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ông cho rằng, việc sửa đổi Điều 179 của Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng Điều 210 của dự thảo lần này là phù hợp với quy định của Luật các TCTD hiện hành. Tuy nhiên, để từ ngữ sử dụng trong điều luật được chính xác có hệ thống, đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 1, Điều 210 theo hướng, chỉ bị xử lý nếu cấp tín dụng không có đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp phép tín dụng theo quy định.
Điểm e, Khoản 1 cũng sửa lại theo hướng: Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng vì ngân hàng ngoài nghiệp vụ cho vay, còn nhiều nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền thanh toán, việc sửa đổi như trên sẽ bao quát và điều chỉnh được nhiều hành vi, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Song điều quan trọng hơn là cần minh bạch có ranh giới rõ ràng về các khái niệm. Điều 210 của dự thảo luật lần này phân định hậu quả vi phạm thành nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hậu quả thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trong trường hợp cấp tín dụng không có đảm bảo, do đó dễ dẫn đến lỗi của một số TCTD, cá nhân trong hoạt động cấp tín dụng không có đảm bảo mới chỉ đến mức hành chính thì đã bị khởi tố hình sự.
“Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), cần giao cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để thông qua cùng với Bộ luật này. Trong đó cần có nội dung hướng dẫn chi tiết về cấp tín dụng không có bảo đảm, quy định tại Điều 210 của bộ luật”, ông Quý nói.
Cùng quan điểm này, NHNN đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại quy định cấu thành tội phạm còn rất chung chung. Cách quy định chung chung mang tính định tính có thể sẽ bị lạm dụng để hình sự hoá quan hệ tín dụng trên thực tế. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định rõ căn cứ xác định cấu thành tội phạm đối với các hành vi này theo hướng định lượng rõ ràng mức độ nghiêm trọng, như căn cứ vào mức độ gây thiệt hại quy theo giá trị tiền...
Bên cạnh đó, NHNN cũng đề nghị bỏ quy định: “Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng" vì quy định này không rõ ràng cấu thành tội phạm dễ bị lạm dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Thời báo ngân hàng