MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.Hồ Chí Minh: Tăng trưởng tín dụng một số ngân hàng vẫn âm

18-09-2013 - 13:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động tín dụng của 3 trong 14 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 7/2013, vẫn “âm” so với cuối tháng 12/2012.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ, đúng là những con số phần nào thể hiện “sức khỏe” của khách hàng là những DN, song đó chưa phải là tất cả. Trên thực tế, các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu chính mình, trong đó, có rất nhiều thay đổi về chỉ tiêu hoạt động tín dụng.

Sự suy giảm không hẳn đáng lo

Hoạt động tín dụng của 3 trong 14 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 7/2013, vẫn “âm” so với cuối tháng 12/2012. Cụ thể, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) giảm 15,4%, Ngân hàng Phương Đông (OCB) giảm 5,8% và Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) giảm 1,6%. Nhìn chung, lý do mà các phân tích từ giới ngân hàng đưa ra nghiêng về nguyên nhân “cầu yếu” của DN, người vay cá nhân. Chẳng hạn khả năng đáp ứng các điều kiện cho vay của họ kém đi do bối cảnh kinh tế khó khăn nên các ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay.

Quả vậy, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh, chỉ còn tương đương thời điểm năm 2005 - 2006, thế nhưng tín dụng vẫn tăng khá chậm. Điều đó thể hiện rõ nét qua con sốchênh lệch thu nhập - chi phí đang giảm mạnh, chỉ còn 4.180 tỷ đồng (tháng 7/2013) trong khi cuối năm 2012 con số này ở mức 6.896 tỷ đồng.

Nhìn chung, tại một số nhóm tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong cấp tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, duy nhất chỉ có Sacombank giữ được mức chênh lệch thu nhập - chi phí bằng với cuối năm 2012 là 1.224 tỷ đồng, còn lại thì giảm trung bình 50%-70%, ngoại trừ Ngân hàng Sài Gòn có mức giảm rất mạnh, thể hiện ở con số: -195 tỷ đồng.

Những nguyên nhân tích cực

Qua trao đổi với một NHTMCP có mức tăng trưởng âm, lãnh đạo của ngân hàng này chia sẻ, đúng là những con số phần nào thể hiện “sức khỏe” của khách hàng là những DN, song đó chưa phải là tất cả. Trên thực tế, các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu chính mình, trong đó, có rất nhiều thay đổi về chỉ tiêu hoạt động tín dụng.

Chẳng hạn, vấn đề về thanh khoản, độ nóng của nó còn tùy thuộc vào cơ cấu vốn của mỗi ngân hàng, đặc biệt là ở cơ cấu kỳ hạn. Cùng với một tỷ lệ an toàn vốn, nhưng nếu ngân hàng này có vốn huy động dài hạn hơn, cho vay ngắn hạn nhiều hơn thì áp lực chi trả sẽ dễ chịu hơn nhiều so với ngân hàng có nhiều vốn huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay trung dài hạn nhiều hơn. Hoặc ví như có những ngân hàng đang có tỷ lệ thanh khoản vượt lên trên mức cảnh báo, liên quan đến yêu cầu phòng thủ cho thanh khoản, đặc biệt là trước tình huống những lượng tiền lớn rút theo yêu cầu…

Thêm vào đó, nợ xấu trong những tháng đầu năm 2013 vẫn còn ở mức cao, ở trên bình diện chung lẫn cụ thể tại một số ngân hàng. Chỉ xét riêng 14 NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 7/2013, tốc độ nợ xấu tăng đột biến lên 3,8% (trước đó 3,2%). Trong đó, 10/14 ngân hàng có nợ xấu tăng vọt gồm: Sacombank nợ xấu 2,6% trong khi cuối năm 2012 ở mức 1,9%; Việt Á có nợ xấu 4,6% tăng lên 6,5%; Phương Nam từ 2,7% lên 3,6% so với cuối năm 2012...

“Một lượng vốn cho vay chưa thu về được sẽ dẫn đến lỗi nhịp cân đối vốn cho khả năng chi trả. Hơn nữa, khối NHTMCP đang phải cẩn trọng hơn khi xét duyệt cho vay thì chuyện chỉ số tăng trưởng sẽ rớt xuống mức âm là không thể tránh khỏi”, vị lãnh đạo trên nói.

Nhưng nhiều lãnh đạo NHTMCP cho rằng điều này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn hệ thống, đặc biệt không đáng lo ngại. Theo đại diện NHNN, thời gian qua các NHTM tái cơ cấu để cân đối các khoản vay, việc tăng trưởng “âm” chỉ là do các ngân hàng quay lại với hoạt động thực – cho vay các dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để tìm kiếm sự an toàn.

“Tất nhiên, tái cơ cấu phải mất một thời gian áp dụng, chắc chắn phải có một lộ trình để các NHTM thực hiện. Và trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang phải thực hiện quá trình tự tái cơ cấu mạnh mẽ thì việc duy trì những biện pháp hành chính là cần thiết. “Nhưng khi các tổ chức tín dụng đã xác định mục tiêu phát triển lành mạnh thì bản thân các NHTM sẽ phải tự xác định tăng trưởng tín dụng (TTTD) bao nhiêu là hợp lý, chứ không cần cứ phải chạy theo con số TTTD cao, thuần túy lấy chỉ tiêu cho năm sau. Tôi cho rằng đây là điều tốt cho cả hệ thống. Hơn nữa, tăng trưởng hay không thì những tháng đầu năm không thể hiện được nhiều, chỉ từ tháng 9 trở đi mới là tháng quyết định TTTD cho cả năm”, vị đại diện NHNN nói.

Trong khi đó, quan điểm của chủ tịch HĐQT một NHTM cho rằng, những con số hiện tại không thể hiện được kết quả cả năm. Hiện tượng TTTD tăng vọt của các ngân hàng vào những tháng cuối năm phản ánh diễn biến nhu cầu thực của thị trường. “Vào cuối năm, nhu cầu khoản vay có kỳ hạn rất ngắn phục vụ mùa kinh doanh Tết rất lớn. Do vậy, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã chấp nhận cho vay lợi nhuận ít đi, thậm chí có khoản vay không lợi nhuận để giữ khách hàng. Đến khi vào mùa kinh doanh thì tín dụng tăng trưởng đột biến trong quý IV này”, vị chủ tịch trên nói.

Theo Quỳnh Chi

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên