Trái phiếu chính phủ hưởng lợi lớn
Quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện là loại hình mới tại VN nên các DN bảo hiểm đang khá háo hức với loại quỹ này. Hiện dự thảo đang được Bộ Tài chính hoàn chỉnh để có thể áp dụng từ 1.7 năm nay.
Nhưng cũng chính vì là hình thức quỹ mới nên cơ quan chức năng đang tỏ ra khá thận trọng khi đặt ra các tiêu chí sàng lọc.
Theo quy định trong dự thảo, khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, ngoài các điều kiện khác, DN bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện: Vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỉ đồng; biên khả năng thanh toán (khả năng thanh toán tức thời cho rủi ro tổn thất xảy ra đối với khách hàng) cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỉ đồng.
Thêm vào đó, dự thảo cũng quy định DN bảo hiểm cũng phải sử dụng vốn chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện (ngay từ khi thiết lập quỹ) không thấp hơn 200 tỉ đồng và phải duy trì khoản đóng góp này trong quá trình quỹ hoạt động. Quy định này được cho là đang gây khó khăn cho các DN muốn triển khai sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện. Đại diện một trong 5 DN trong một hội thảo góp ý được Bộ Tài chính mới đây cho biết đây là khoản tiền không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các DN đang phải cạnh tranh hết sức khó khăn hiện nay.
Sau khi dự thảo được gửi đi lấy ý kiến các DN bảo hiểm từ cuối tháng 3 và nhiều lần tổ chức các hội thảo, các DN bảo hiểm đều có kiến nghị song những quy định này vẫn được ban soạn thảo giữ nguyên ý kiến. Theo một số DN bảo hiểm, điều này sẽ là một rào cản đối với các DN khi muốn triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Chỉ có 20% vốn vào thị trường cổ phiếu
Một điều mà TTCK hiện đang rất quan tâm và kỳ vọng là các sản phẩm mới (trong đó có quỹ hưu trí) khi được triển khai sẽ rót thêm dòng tiền mới thổi vào giúp thị trường chuyển động. Nhất là trong bối cảnh các mã CK trên sàn đều có mức giá hết sức hấp dẫn và đang khao khát dòng tiền mới. Tuy nhiên, vì loại hình quỹ này còn quá mới đối với Việt Nam, với sự cẩn trọng ban soạn thảo đã kiên trì giữ nguyên các quy định về danh mục đầu tư của quỹ.
Theo quy định này thì chỉ có tối đa 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ được dùng để mua cổ phiếu, trái phiếu DN không có bảo lãnh, góp vốn vào các DN khác. Nếu DN đầu tư theo nguyên tắc “không bỏ chứng vào một giỏ” thì tỉ trọng dành cho riêng thị trường cổ phiếu sẽ bị xé nhỏ nữa. Thêm vào đó, ban soạn thảo còn bảo lưu quy định về việc đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một DN, trái phiếu DN không được vượt quá 5% khối lượng mỗi lần phát hành và không được vượt quá 5% giá trị đầu tư của quỹ. Quỹ cũng không được đầu tư vào cổ phiếu của các CTCK, Cty tài chính, Cty cho thuê tài chính.
Tuy nhiên, có một điều vui mừng cho thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Đó là quy định DN bảo được dùng tối thiểu 40% giá trị tài sản đầu tư của quỹ để mua không hạn chế TPCP. Dù được đánh giá là quy định danh mục này sẽ không hấp dẫn các DN nếu “chốt” tài sản của quỹ vào trái phiếu nhưng ban soạn thảo cho rằng điều này sẽ giúp cho tài sản của quỹ được bảo toàn. Và như vậy, thị trường TPCP sẽ được hưởng lợi từ quy định này khi đón nhận thêm dòng vốn mới này.
Trong trường hợp khác, DN bảo hiểm có thể mang tối đa 20% giá trị tài sản đầu tư của quỹ để gửi vào NH. Theo đại diện Bộ Tài chính, tùy vào sự thay đổi của thị trường tài chính và hoạt động đầu tư, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh phạm vi và tỉ lệ đầu tư đã quy định ở trên.