MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trái phiếu Chính phủ vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn

04-08-2014 - 11:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, việc các NHTM tăng mua TPCP phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế và góp phần hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hệ thống NH

Hơn nữa, điều này cũng tạo cho Bộ Tài chính và NHNN có thêm công cụ để điều tiết, thực thi các chính sách một cách hiệu quả.

Theo cập nhật của Nhóm nghiên cứu của một NHTMCP lớn, ngày 31/7, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục giao dịch sôi động, nhu cầu đầu tư duy trì ở mức cao. Trong tuần trước (21 - 25/7), giá trị giao dịch 1 chiều toàn thị trường đạt 9,9 nghìn tỷ đồng – tăng 7,6% so với tuần trước đó. Thống kê giao dịch của HNX cũng cho thấy, NĐT nước ngoài đã mua ròng 320 tỷ đồng TPCP trong tuần qua.

Sự sôi động trên thị trường TPCP trong suốt thời gian qua có đóng góp tích cực của các NHTM. Theo số liệu thống kê của HNX, trong số 23 thành viên tham gia đấu thầu TPCP năm 2014 có tới 17 NHTM. Không khó để nhận ra “ý đồ” mua TPCP của các NHTM là vì trong bối cảnh tín dụng gặp khó thì đây là kênh đầu tư đủ hấp dẫn mà an toàn cho NH. Vì TPCP bằng nội tệ có đặc điểm mà không có tài sản nào trên thị trường có được là độ rủi ro bằng 0 và tính thanh khoản gần như là “số 1”. Dù TPCP có kỳ hạn dài nhưng NH được phép giao dịch trên thị trường mở (OMO) - tức NHTM có thể “ đổi“ thành tiền ngay khi cần để đảm bảo thanh khoản. Mà OMO chính là công cụ để điều hành thị trường tiền tệ và thị trường tài chính.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, với việc người mua TPCP vẫn chủ yếu là các NHTM và sau đó họ bán lại cho NHNN đã làm giảm tác dụng chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế và dòng tiền đi lòng vòng không chảy thẳng vào khu vực sản xuất kinh doanh được. Các NHTM rất hiểu điều đó vì nếu cho vay trực tiếp đến khách hàng thì mức lãi suất cho vay sẽ tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với lợi nhuận NH tăng lên. Đây cũng là mục tiêu của bất kỳ NHTM nào. Và thực tế đã diễn ra cách đây vài năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, các NHTM đã bằng mọi giá để đẩy tín dụng ra nền kinh tế, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động luôn vượt 100%. Hậu quả thì ai cũng biết, nợ xấu vẫn đang là bài toán nan giải của các NHTM.

Nhưng thời điểm này, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động của NH chỉ ở mức hơn 80%, vậy phần còn lại NH đầu tư vào đâu? Trong bối cảnh thị trường khó khăn, hệ thống NH đang trong thời điểm tái cấu trúc tài sản, nâng cao chất lượng tín dụng… các NHTM buộc phải tìm lối thoát cho đầu ra qua một kênh an toàn đó là TPCP. Vì vậy, theo quan điểm của ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, việc các NHTM tăng mua TPCP vừa qua là phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, đồng thời góp phần hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc hệ thống NH. Hơn nữa, điều này cũng tạo cho Bộ Tài chính và NHNN có thêm công cụ để điều tiết, thực thi các chính sách một cách hiệu quả.

Nếu như vào năm 2011, tỷ lệ nắm giữ TPCP trong tổng tài sản của NHTM chỉ là 6% thì hiện lên khoảng 7%. Đặc biệt, từ cuối năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2014, không chỉ có NHTM lớn mà cả các NHTM nhỏ cũng tham gia thị trường trái phiếu, tăng nắm giữ TPCP. Điều này cho thấy, các NHTM nhỏ chú trọng đến dự trữ đệm thanh khoản cho mình. Mặt khác, với việc các NHTM tăng cường mua làm “giá” TPCP tăng liên tục (lãi suất trúng thầu ngày càng giảm), giúp cho Chính phủ huy động được vốn với chi phí rẻ hơn. Như vậy, việc NHTM mua TPCP không phải chỉ để kinh doanh mà còn tạo ra sự cân bằng và ổn định trong hoạt động NH.

Ông Quỳnh cho biết, nếu như năm 2012, trên thị trường thứ cấp, 1 ngày giao dịch 700 tỷ đồng thì sang đến năm 2014 trung bình giao dịch gần 2.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần. Sự gia tăng cả về quy mô và mức độ giao dịch TPCP cho thấy niềm tin của NĐT vào công cụ này ngày càng tăng. “Vì vậy, việc dịch chuyển của thị trường, cộng với lượng giao dịch tăng cho thấy niềm tin của NĐT đang rất tốt”, một chuyên gia kinh tế bình luận.

Song, dù phản ánh đúng xu thế thị trường thì với vị thế là cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo NHNN vẫn lưu ý các NHTM việc cân đối lại lượng vốn vào TPCP ở mức phù hợp là rất cần thiết. Có thể so với các nước phát triển thì mức nắm giữ TPCP 6 - 7% của các NHTM chưa phải lớn về quy mô cũng như giá trị, nhưng từ mức 0% mà tốc độ tăng lên như thời gian qua thì cũng cần phải “Test” thị trường để xem sức hấp thụ của nó đến đâu và có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Điều quan trọng hiện nay là sử dụng nguồn lực được coi là “từ ngân sách” này như thế nào, bởi thực tế tình hình giải ngân vốn TPCP vẫn chậm. Nếu không giải ngân được, tiền bán trái phiếu sau khi đi vào Kho bạc Nhà nước lại gửi ngược vào các NHTM sẽ làm rối chính sách. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn TPCP sẽ khiến Nhà nước thiệt hại “kép”: vừa mất tiền trả lãi cho NH, không đẩy nhanh tiến độ dự án, mà còn gây khó cho thanh khoản của NH.

Vì vậy, theo nhiều ý kiến, thời gian tới, NHNN và Bộ Tài chính cần tăng cường phối hợp, đánh giá cách thức hợp tác, giám sát, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn huy động để đưa vào nền kinh tế tốt hơn, nhịp nhàng hơn. Hay nói cách khác, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phối hợp sao cho tối ưu hóa các nguồn lực kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

>>> Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách

Theo Huyền Thanh

trangntm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên