MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Các NHTM gửi 2,5 tỷ USD ra nước ngoài

25-07-2013 - 14:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước đây đầu cơ tỷ giá hối đoái chỉ mang lại khoảng 10% lợi nhuận cho các ngân hàng thì trong 6 tháng đầu năm 2013 con số này lên tới 30%.

Tại hội thảo “Nhìn lại triển vọng TTCK Việt Nam 2013: Tín hiệu từ các chính sách vĩ mô” do CTCP Chứng khoán Bảo Việt tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Thành viên Ban tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong nửa cuối năm 2013, tác động lớn nhất đến nền kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ phía nhà đầu tư Nhật Bản, điều này sẽ giúp Việt Nam có nhịp tăng tương đối ổn định.

Thứ hai là hoạt động mua bán sáp nhập sẽ tăng lên và được tính vào đầu tư gián tiếp vào TTCK, và theo ông Nghĩa, dòng vốn trên thị trường này sẽ không kém thị trường chính thức.

Ông Nghĩa đưa ra dự báo GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ nằm trong khoảng 5,4%-5,5% (cao hơn dự báo của các CTCK), lạm phát của Việt Nam sẽ khoảng 6% (bao gồm cả việc điều chỉnh tỷ giá). Mức lãi suất bình quân tiền gửi sẽ duy trì dài hạn ở mức 6,5-7%/năm, lãi suất cho vay bình quân ở mức 9%-11%/năm.

Đánh giá về tỷ giá hối đoái, ông Nghĩa cho rằng có nhiều cơ sở để tin rằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định đến cuối năm, và nếu có điều chỉnh sẽ ở mức 0,5-1%.

Lý do ông Nghĩa đưa ra bao gồm cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam được NHNN dự báo trong năm 2013 sẽ dương 5 tỷ USD; thứ hai là kỳ vọng từ thị trường đầu cơ quốc tế về đồng Việt Nam ở Singapore (chỉ số NDF) trong tháng 2/2013 đánh giá đồng Việt Nam mất giá 2,8%, đến nay dự báo 1,7% và đến tháng 9/2013 dự báo là 1% cho cả năm 2013; Thứ ba, tỷ giá song phương tính cho cả 23 đồng tiền có quan hệ thương mại với Việt Nam cho thấy đồng Việt Nam đang được đánh giá cao hơn so với thực tế (vào giữa tháng 6 khoảng 1,4%), lạm phát của các đồng tiền có khuynh hướng đi lên trong khi lạm phát Việt Nam có xu hướng đi xuống, điều này khiến tỷ giá hối đoái thực song phương cần điều chỉnh 1% cho cả năm 2013.

Lý giải việc tỷ giá tăng vọt trong tháng 6 đầu tháng 7/2013, theo TS Nghĩa đó là do hoạt động dịch chuyển tài sản của các NHTM. Các NHTM mua USD khiến dư thừa lượng ngoại tệ rất lớn. Dự trữ ngoại tệ tại NHTM đã tăng từ 350 triệu USD trong tháng 3/2013 lên tới 450 triệu USD vào tháng 6/2013.

Và theo ông nghĩa, các NHTM đã gửi ra nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD tính đến hết tháng 6/2013. Mặc dù lãi suất gửi thấp hơn cả lãi suất cho vay ODA nhưng các NHTM kỳ vọng về việc tăng 2% tỷ giá hối đoái, do đó mức tiền gửi của họ sẽ cao hơn mức huy động của cá nhân và doanh nghiệp. Điều này đã khiến dòng ngoại tệ từ thị trường vào ngân hàng và ra nước ngoài thông qua chênh lệch lãi suất, chứ không phải do nhập khẩu gần đây tăng lên.

Theo ông Nghĩa, việc làm này đã khiến đầu cơ tỷ giá hối đoái là nghiệp vụ đầu cơ lớn cho các NHTM, trước đây đầu cơ tỷ giá hối đoái chỉ mang lại khoảng 10% lợi nhuận cho các ngân hàng thì trong 6 tháng đầu năm 2013 con số này lên tới 30%.

Khi giao dịch trên thị trường ngoại tệ hoàn toàn bằng mua bán, tiền gửi ngoại tệ dân cư tăng tới 17%, tiền gửi ngoại tệ doanh nghiệp tăng tới 9% trong 6 tháng đầu năm 2013. Điều này hàm ý rằng những người gửi tiền đã mua USD để gửi chứ không gửi bằng tiền đồng. Nhưng tác động của việc này không lớn bằng việc chuyển dịch tài sản của các NHTM.

Theo ông Nghĩa, trong “cuộc chiến” chống đôla hóa, chúng ta đã có bước đầu hạn chế cho vay ngoại tệ, rất có thể thời gian tới sẽ tăng dự trữ bắt buộc của ngoại tệ, giới hạn lượng nắm giữ ngoại tệ của NHTM từ +_20% có thể xuống +_10 vốn tự có; thậm chí trong tương lại có thể xóa xổ tiền gửi ngoại tệ, tiến tới doanh nghiệp gửi ngoại tệ tại Ngân hàng sẽ không có lãi suất.

Đánh giá về tác động của VAMC đối với các NHTM, theo ông Nghĩa, con số nợ xấu ước đoán khoảng 300.000 tỷ đồng thì 100.000 tỷ đồng là nợ xấu xây dựng cơ bản sẽ do Bộ Tài chính xử lý, 100.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ do VAMC xử lý và số còn lại do các NHTM trích lập dự phòng rủi ro. 

Năm 2013 kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được khoảng 40-50% nợ xấu. Với chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khoảng 5%, nếu đòi được 1 tỷ USD nợ xấu, tương đương với việc NHTM huy động được 20 tỷ USD và cho vay ngay được 20 tỷ USD đó. Như vậy thay vì phải đi cho vay 20 tỷ USD thì đòi đươc 1 tỷ USD nợ xấu sẽ có lợi rất lớn cho ngành ngân hàng, do đó lợi nhuận các NHTM sẽ khả quan hơn nhiều trong năm 2013.

Đánh giá về hiện tượng lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây, ông Nghĩa cho rằng tăng trưởng tín dụng thời gian qua chủ yếu ở các NHTMCP trong khi các ngân hàng lớn thừa vốn không ai vay, khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng chứng tỏ tín dụng bắt đầu tăng trở lại, theo ông Nghĩa, lãi suất liên ngân hàng ở mức quá thấp không phải điều tốt.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên