MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Đình Thiên: Xử lý nợ xấu vô cùng gian khổ

29-09-2014 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Xưa nay ta cứ ảo tưởng xử lý nợ xấu dễ làm, chi phí rẻ nhưng trên thực tế xử lý nợ xấu vô cùng gian khổ, khó khăn, tốn chi phí lớn.

Đó là ý kiến của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương khi trao đổi với chúng tôi bên lề Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014.

PV: Nhiều đại biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa thu tỏ ra sốt ruột vì tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra quá chậm, ông đánh giá như thế nào về điều này?

 TS. Trần Đình Thiên: Ở ta có cái hay là chậm đều. Đề án tái cơ cấu kinh tế của VN quyết tâm ban đầu rất mạnh, khởi đầu rất tốt nhưng quá trình thực thi chậm. Chậm ở kết quả đạt được trong từng lĩnh vực. Tái cơ cấu về mặt thực tiễn ít và những xoay chuyển cơ cấu kinh tế có tính chiến lược chưa diễn ra. 

Ví dụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được coi là trọng điểm mà trong 3 năm vừa rồi, mỗi năm chỉ có vài chục doanh nghiệp, có năm chỉ được mấy doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu DNNN khâu cổ phần hóa đang được Chính Phủ rất chú trọng. Năm nay tái cơ cấu mạnh nhất nhưng chỉ được vài chục doanh nghiệp trong khi mục tiêu năm nay là hơn 200 doanh nghiệp. Thực tế đàng diễn ra rất chậm.

Lĩnh vực ngân hàng cũng làm được 1 số việc nhưng tôi cho rằng chủ yếu là những việc đối phó để giải tỏa nguy cơ, tránh sự sụp đổ. 2 vấn đề cơ bản nhất của tái cơ cấu ngân hàng là xử lí nợ xấu và giải quyết vấn đề sở hữu chéo là mấu chốt nhưng chưa làm được. 

Hoặc đầu tư công là trọng điểm, mặc dù đã làm  được một số việc có định hướng cơ chế rõ ràng nhưng cho tới bây giờ những trục thể chế cơ bản nhất quyết định thay đổi cơ chế vận hành, cơ chế điều hành, phân bổ nguồn lực đầu tư  công chưa diễn ra. Ví dụ Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật chi tiêu công… chưa gắn với cơ chế mới, cả hệ thống luật ràng buộc.

 Xưa nay chúng ta ảo tưởng cái này dễ làm, chi phí rẻ trên thực tế xử lí nợ xấu vô cùng gian khổ, khó khăn, mất nhiều chi phí ảnh hưởng tới nền kinh tế. Nợ xấu gắn với bất động sản.  Như Ninh Bình có nền kinh tế vững mạnh, kỷ luật lớn tưởng xử lí nợ xấu ăn ngay nhưng thực tế kéo dài mấy chục năm. Chúng ta không được chủ quan, phải làm thực, coi nợ xấu như món hàng muốn mua được phải có tiền chứ không được giả vờ mua bán. Khái niệm tiền tươi thóc thật phải được đặt ra ở đây.

VAMC phải có lộ trình để giải quyết nợ xấu. Cổ phần hóa phải có tiền đi mua nợ xấu. Một phần do khó khăn ngắn hạn gay gắt trong thời gian qua nên phải tập trung gỡ. Gần đây Chính Phủ có động thái mới xoay chuyển mang kết quả tốt…

PV: Ông vừa nói Chính Phủ đã có sự xoay chuyển chính sách phù hợp với thực tế hơn, ông có kỳ vọng gì trong quá trình xoay chuyển?

TS. Trần Đình Thiên: Động thái mới của Chính Phủ kỳ vừa rồi, chính phủ mời 1 số bộ ngành cho ý kiến xem năng lực cạnh tranh của VN tại sao chậm chạp như thủ tục đăng kí thuế của doanh nghiệp cao ngất ngưởng, lằng nhằng, phức tạp.

Ví dụ trước thuế của ta phải mất 870 giờ của các nước ngoài có 170 giờ. Sau khi có chỉ đạo của Thủ Tướng, giảm ngay vài trăm giờ. Chúng ta cố gắng duy trì hệ thống trì trệ, vì trì trệ là kiếm ăn được không ai muốn bỏ. Đột phá trong việc xoay chuyển nằm trong hệ thống điều hành có trách nhiệm cá nhân…. Cách tiếp cận, tháo gỡ nút ách tắc là cơ chế trách nhiệm cá nhân, đây là điều cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như, làm thủ tục tàu container ra khỏi bến hết 21 giờ trong khi thế giới là 11 giờ, giảm 1 ngày được mang lợi lớn cho doanh nghiệp, cho đất nước lợi thêm 1,6 tỷ USD. Điều đó, chính phủ đã cởi trói được. Nhà nước phải gắn trach nhiệm cá nhân, chế tài phải rõ, áp đặt từ trên xuống phải cưỡng bức làm chứ không phải là kêu gọi tinh thần.

PV: Phía doanh nghiệp cần phải làm gì với để có sự cạnh tranh tự do, thưa ông?

TS. Trần Đình Thiên: Về phía doanh nghiệp, phía thị trường logic của tái cơ cấu phải phù hợp với logic thị trường, dựa trên nguyên tắc của thị trường và hướng đến thị trường. Vừa qua, chính phủ đặt ra vấn đề cạnh tranh,  tạo ra môi trường cạnh tranh trước. Tuy nhiên, giá cả thị trường và chuẩn mực thị trường phải được thiết lập chứ không phải là do khung giá hành chính do nhà nước định giá làm méo mó hết cả. Mấu chốt là hệ thống cạnh tranh tự do, bình đẳng và thiết lập được giá cả thị trường. Đưa hệ thống giá cơ bản chuyển thành giá thị trường, trên nền đó tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.

Yếu tố cản trở cạnh tranh tự do nhiều nhất chính là khu vực kinh tế nhà nước, cải cách khu vực kinh tế nhà nước là thị trường tự nới ra, chả mấy chốc lớn lên. Cách tiếp cận trên 2 tuyến, 1 là theo hướng thị trường, dựa nguyên tắc thị trường. Nhà nước phải chuyển sang chế tài theo trách nhiệm cá nhân. Nếu làm được nền kinh tế của chúng ra xoay chuyển nhanh, cơ bản.

PV: Đi sâu vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong thời gian vừa qua chúng ta đã xử lí được 8 ngân hàng yếu kém. Nhưng hệ thống ngân hàng theo đánh giá vẫn có qui mô lớn, có ý kiến cho rằng nên để các ngân hàng không có năng lực phá sản thay vì chuyện sáp nhập vào các ngân hàng lẫn nhau.  Theo ông đánh giá hệ thống ngân hàng đã chịu được sự phá sản chưa?

TS. Trần Đình Thiên: Theo tôi những ngân hàng quá yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà rủi ro của ngân hàng luôn là rủi ro có hệ thống thì phải đặt vấn đề xử lí nghiêm túc. Như nước ngoài ngân hàng nào yếu cho phá sản hoặc nhà nước tái cấu trúc lại. Ở Việt Nam chưa dám cho ngân hàng nào  phá sản vì khi đã phá sản sẽ  tạo ra hệ thống dây chuyền, không cẩn thận vỡ trận. Chuyện sáp nhật mạnh yếu cũng phải tính đến việc phải trả giá để tạo thành mục tiêu cao hơn. Khi độ an toàn đã ổn định thì mới nên tập trung xử lí nợ xấu và sở hữu chéo.

Xin cám ơn ông!

>>>Nợ xấu, bao giờ xong?

 Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên