MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá cứu con nợ

23-03-2015 - 20:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng tiền mạnh thứ hai trên thế giới là euro (EUR) đã mất giá 11% so với đồng USD. Chỉ số USD-Index, một chỉ số đo lường giữa USD so với 6 đồng ngoại tệ mạnh khác tăng 9,2%. Với chính sách neo tỷ giá USD/VNĐ của NHNN, VNĐ càng đang lên giá so với các ngoại tệ khác.

Điều này đồng nghĩa với việc những món nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp Việt Nam không phải là bằng USD cũng giảm giá ở mức tương ứng khi tính ra đồng nội tệ. Thực tế không ít doanh nghiệp vay ngoại tệ bằng EUR chẳng những không phải gánh khoản lỗ do trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá mà còn có lãi.

Vị thế của đồng bạc xanh

Hơn một tuần qua, thị trường ngoại tệ liên tục có sự biến động. Giá USD niêm yết tại các NH tăng mạnh vài chục đến 100 đồng/USD so với tuần trước đó. Giá bán USD có lúc đã chạm 21.520 đồng/USD và giá mua vào 21.450 đồng/USD. Mặc dù giá giao dịch USD tăng nhưng vẫn nằm trong mức trần quy định của NHNN. Đặc biệt, mức biến động này cũng rất ít so với biến động tỷ giá giữa đồng USD so với các đồng tiền khác trên thế giới. Việc USD lên giá mạnh so với các đồng tiền khác là điều đã được nhiều chuyên gia dự đoán trước đó.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, kinh tế Hoa Kỳ đã có những bước phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, thâm hụt ngân sách ở Hoa Kỳ đều có tiến triển rất tốt. Gần đây Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết chấm dứt gói QE3 và sắp điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, tại châu Âu vẫn đang chìm trong khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực này vẫn ở mức 11,2%, mức cao nhất trong lịch sử ở châu Âu. Đặc biệt mới đây NH Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giảm lãi suất đồng EUR xuống còn gần mức 0%. Điều này đã làm cho đồng EUR suy yếu mạnh.

Tại các khu vực khác trên thế giới như Nga và một số nước đông Âu, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến Ukraine và các chính sách cấm vận đối với Nga. Trong hơn 1 năm qua, đồng rúp của Nga đã mất giá hơn 60% so với USD. Ngay cả với các đồng tiền như đô la Australia và Canada đang trong cuộc đua xem ai mất giá mạnh so với USD. Cụ thể trong 2 tháng gần đây, đô la Canada giảm 7,5% và đô la Australia  mất 5% so với USD. Hiện nhiều chuyên gia cho rằng với bối cảnh kinh tế các nước hiện nay đồng USD sẽ còn tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác.

Cứu con nợ

Trước bối cảnh đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác, VNĐ cũng chịu ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, với chính sách neo tỷ giá của NHNN VNĐ mất giá rất ít so với các ngoại tệ khác. Điều này đồng nghĩa với việc VNĐ mạnh lên so với các đồng tiền khác. Nếu như đỉnh điểm VNĐ/EUR đạt 28.000 đồng thì đến cuối tháng 2-2015 còn 24.500 đồng (giảm 10%).

Chi phí và doanh thu tài chính sẽ là thế cờ đảo ngược. Từ vị thế của một doanh nghiệp hàng năm phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn, nay những doanh nghiệp ngành xi măng có nợ vay dài hạn bằng EUR lớn sẽ không những được hưởng lãi chênh lệch tỷ giá mà còn có đủ nguồn lực để phân bổ hoàn toàn các khoản lỗ tỷ giá từ trước.

Công ty Chứng khoán BSC

Còn tính từ đầu năm đến nay, EUR đã mất giá 1,06% so với VNĐ và xuống còn 23.258 VNĐ/EUR. Trong bối cảnh đó chắc chắn việc xuất khẩu hàng của Việt Nam sang những quốc gia có đồng tiền bị mất giá sẽ bất lợi. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp hay Chính phủ có những khoản vay bằng EUR hay ngoại tệ khác mất giá so với USD được lợi. Chẳng hạn, trước đây một số doanh nghiệp trong ngành xi măng như Xi măng Hà Tiên (HT1), Xi măng Bút Sơn (BTS), Xi măng Bỉm Sơn (BCC)... đã lỗ nặng bởi những khoản nợ khổng lồ bằng ngoại tệ trong đó có những khoản nợ bằng EUR.

Tuy nhiên, đến thời điểm này thế cờ đã đảo ngược. Thị giá cổ phiếu HT1 của CTCP Xi măng Hà Tiên thời gian gần đây xoay quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), giá mục tiêu cổ phiếu này được nâng lên 22.300 đồng/cổ phiếu. Không riêng gì HT1, những doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ bằng EUR lớn cũng được khuyến nghị tích cực vì cho là sẽ được hưởng lợi biến động đồng EUR so với VNĐ.

Sự hưởng lợi này thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh năm 2014. Lợi nhuận sau thuế HT1 năm 2014 đạt hơn 308 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 2,5 tỷ đồng của năm 2013. HT1 đang có khoản nợ vay 76 triệu EUR, từ việc đồng EUR giảm giá, trong năm 2014 công ty đã phân bổ hoàn toàn 208,25 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn xây dựng nhà máy trước đây.

Bên cạnh đó HT1 còn ghi nhận được khoản lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 230 tỷ đồng, giúp hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi được thể hiện. Tương tự, đối với CTCP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2 đang có khoảng vay 133 triệu EUR, lợi nhuận trong năm 2014 của doanh nghiệp cũng tăng trưởng đột biến đạt 933 tỷ đồng trước kiểm toán so với mức 8 tỷ đồng của 2 năm trước.

Trong đó, khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá đã đóng góp khoảng 424 tỷ đồng trong khi năm 2013 công ty phải ghi nhận 304 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá. Công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng có khoản vay ngoại tệ 55,6 triệu EUR nợ dài hạn. Doanh thu tài chính của Xi măng Bỉm Sơn trong năm qua đạt 147,8 tỷ đồng, bao gồm gần 142 tỷ đồng doanh thu từ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện. Đến năm 2014, công ty đã thoát khỏi cảnh lỗ lũy kế và đã có lợi nhuận chưa phân phối hơn 128 tỷ đồng.

Với xu hướng tiếp tục giảm giá của đồng EUR, nhiều dự báo đưa ra kết quả kinh doanh trong năm 2015 của những doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ này sẽ tiếp tục khả quan nhờ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí tài chính. Bên cạnh đó tỷ giá EUR/USD được dự báo sẽ giảm về gần mức 1USD/EUR trong năm 2015, sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp còn dư nợ EUR lớn.

Sự hy sinh của NHNN

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VNĐ, tương tự định hướng đã đưa ra trong 3 năm qua. Thực tế, từ đầu năm đến nay, đồng USD tại các NH cũng như thị trường tự do đã có nhiều đợt sóng theo sự tăng giá của USD trên thế giới. Thế nhưng tại các thời điểm đó NHNN vẫn khẳng định sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH mà giữ ổn định như hiện nay.

Theo Thống đốc, điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối nhằm bảo đảm giá trị đồng Việt Nam là một trong những nhiệm vụ và lĩnh vực trọng tâm của ngành NH trong năm 2015. Khoảng biến động tỷ giá 2% trong năm 2015 cũng là định hướng như một cam kết mà nhà điều hành đưa ra.

Tuy nhiên, đằng sau việc giữ cho VNĐ không lên giá cũng đặt ra một bài toán về sự hy sinh của NHNN. Còn nhớ từ năm 2013 về trước, mỗi năm NHNN nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn thu chủ yếu là giao dịch ngoại tệ. Đặc biệt, năm 2013 NHNN còn nộp ngân sách 6.834 tỷ đồng lợi nhuận từ việc đấu thầu vàng.

Năm 2014, NHNN không còn nguồn thu từ đấu thầu vàng trong khi còn phải chi ra hơn 10.000 tỷ đồng để trả lãi suất cho lượng tín phiếu phát hành trên thị trường mở để hút lượng tiền đã tung ra từ việc mua ngoại tệ. NHNN cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm 2014 vào khoảng 36 tỷ USD. Trước đó vào cuối năm 2013, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 30 tỷ USD. Như vậy, NHNN đã mua thêm vào khoảng 5 tỷ USD trong năm 2014. Cũng theo số liệu NHNN, năm 2014 thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam lên đến hơn 10 tỷ USD.

NHNN dự báo cán cân thanh toán năm 2015 tiếp tục thặng dư khoảng 8 tỷ USD. Như vậy, dù đồng USD đang lên giá so với nhiều đồng tiền khác, nhưng việc duy trì tỷ giá ổn định trong mức 2% như mục tiêu của NHNN vẫn khả thi. Thậm chí NHNN có thể phải tiếp tục mua USD dự trữ để tránh cho VNĐ lên giá quá cao ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở thời điểm này hay không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

 

Theo Xuân Anh

PV

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên