Tỷ giá tăng không chỉ do tâm lý
NHNN khẳng định tỷ giá tăng do tâm lý nhưng các chuyên gia lại viện dẫn ra một số lý do khác như nhu cầu USD thanh toán nhập khẩu tăng; nhu cầu tín dụng ngoại tệ đáo hạn cuối năm…
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Tỷ giá VND/USD đã liên tục tăng mạnh suốt từ đầu tháng 11 này và có thời điểm đã gần chạm tỷ giá trần của NHNN (21.458 VND/USD). Đợt tăng tỷ giá lần gần đây nhất mới cách xảy ra hồi đầu tháng 10. Điểm trùng lặp ở 2 đợt tăng tỷ giá lần này (và cả một vài lần trước đó nữa) là tuyên bố của NHNN không điều chỉnh tỷ giá vì không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá, và rằng tỷ giá tăng là do tâm lý trước tin đồn NHNN tăng tỷ giá v.v…
NHNN tiếp tục viện dẫn ra những bằng chứng để cho thấy thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, không có gì bất thường như: trong 10 tháng đầu năm cả nước đã xuất siêu, cán cân thanh toán tổng thể ở mức thặng dư cao, giải ngân FDI và kiều hối đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trên thị trường ngoại tệ doanh số giao dịch, hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra bình thường không có gì đột biến...
Mặt khác, một số chuyên gia và tổ chức đã đưa ra thêm một số lý do khác như nhu cầu thanh toán nhập khẩu tăng do Việt Nam nhập siêu 2 tháng gần đây, nhu cầu trả nợ tín dụng ngoại tệ đáo hạn vào cuối năm, nhu cầu nhập vàng lậu do chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước đã tăng mạnh trong tháng 11, USD đã lên giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt gần đây...
Công bằng mà nói, lý giải của các chuyên gia và tổ chức như nói ở trên có tính thuyết phục hơn vì phản ánh đúng tình hình thực tế hơn.
Về lý do xuất siêu của NHNN nhưng lưu ý là NHNN lại tính gộp cả 10 tháng đầu năm để ra được con số xuất siêu 2,36 tỷ USD, có thể nói con số xuất siêu này không mấy liên quan đến chuyện tỷ giá tăng đột biến, mang tính thời điểm. Bởi thế, dễ thấy giải thích của các chuyên gia và tổ chức có tính thuyết phục hơn khi gắn kết hiện tượng nhập siêu quay trở lại, đặc biệt trong 2 tháng liên tiếp gần đây, với nhu cầu USD tăng mạnh hơn.
Cũng trên giác độ tính thời điểm này, ta có thể loại ra lý do của NHNN về giải ngân FDI và kiều hối tăng trong 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, vì chúng cũng chỉ là những số liệu tính gộp, không phản ánh thời điểm tháng 11 là tháng xảy ra biến động tỷ giá.
Mặt khác, về lý do về nhu cầu trả nợ tín dụng ngoại tệ đáo hạn vào cuối năm và nhu cầu USD để nhập vàng lậu mà các chuyên gia và tổ chức đưa ra, tuy có lý nhưng do không có mấy số liệu chính thức để kiểm chứng nên ta không xét đến ở đây.
(Xem thêm Chuyên gia: Tỷ giá tăng mạnh nhưng vẫn trong vòng kiểm soát)
Đối với lý do USD đã lên giá mạnh gần đây so với các đồng tiền chủ chốt, đây là một lý do khá hợp lý và cần kể đến vì nó chắc chắn đã làm tăng áp lực tỷ giá VND/USD khi nhu cầu USD trên thế giới tăng cao, hút bớt luồng USD chảy vào Việt Nam hoặc nếu tiếp tục có chảy vào như cũ thì giá (tức tỷ giá VND/USD) phải cao hơn để hấp dẫn và giữ chân nhà đầu tư nắm giữ USD.
Ngoài ra, chắc chắn có thêm những yếu tố khác mang tính thời điểm có thể đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời giữa cung và cầu ngoại tệ mà chính vì thế làm tỷ giá tăng như vừa qua.
Một trong những yếu tố cơ sở quyết định hướng đi của tỷ giá và mang tính thời điểm có thể chỉ ra là tổng phương tiện thanh toán, còn được biết là cung tiền, đã tăng mạnh trong tháng 10 so với các tháng trước đó (mặc dù tháng 9 cũng đã tăng mạnh và vì thế có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đợt tăng tỷ giá đầu tháng 10). Cụ thể, theo số liệu công bố của NHNN thì tính đến ngày 24/10 cung tiền đã tăng tới 11,88% so với cuối tháng 12/2013, trong khi đó con số này trong tháng 9, tháng 8 và tháng 7 lần lượt là 9,93%, 8,66% và 7,36% (bình quân tăng khoảng 1,05 điểm %/tháng trong suốt 7 tháng đầu năm). Có nghĩa là sau khi đã tăng mạnh 1,27 điểm % trong tháng 9 so với tháng 8 (là tháng cũng đã tăng mạnh hơn mức trung bình 7 tháng trước đó), cung tiền tiếp tục tăng đột biến thêm 1,95 điểm phần trăm nữa trong tháng 10, tức gần gấp đôi mức tăng trung bình trong 7 tháng đầu năm.
Cung tiền tăng vọt cũng là nguyên nhân đằng sau đợt giảm lãi suất VND (mạnh hơn sự giảm lãi suất USD) mới đây của các ngân hàng thương mại do thanh khoản tiếp tục dư thừa. Và cũng một phần chính vì lãi suất VND giảm mạnh hơn lãi suất USD nên tính hấp dẫn của VND không thể không thừa nhận rằng đã bị giảm thêm một bước nữa.
Kết hợp với việc Việt Nam quay trở lại nhập siêu trong 2 tháng liên tiếp qua cũng như việc USD lên giá so với các ngoại tệ khác như nói ở trên thì bức tranh về biến động tỷ giá đã hầu như bộc lộ hoàn toàn một cách rõ ràng và dễ hiểu. Nếu có thể gọi cái gì đó ở đây là yếu tố tâm lý như NHNN tuyên bố thì đó chỉ có thể là tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ phải tăng trước những biến động gần đây nếu như NHNN không can thiệp bằng cách bán ra USD.
Ông Cao Sỹ Kiêm: “Tỷ giá USD/VND sẽ nhích dần theo cung cầu từ nay đến cuối năm”