“Tỷ giá VND/USD sẽ không tăng đột biến”
Từ nay đến cuối năm nguồn cung USD vẫn khá dồi dào, nên sức ép điều chỉnh tỷ giá sẽ thấp, Chính phủ nhận định tại báo cáo kết quả ba năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
- 20-10-2015"Tỷ giá sẽ tiếp tục là vấn đề cần cân nhắc trong năm 2016"
- 11-10-2015Chính sách tỷ giá nào phù hợp khi tham gia TPP?
Nêu các con số dày đặc, Chính phủ đã khái quát cả chặng đường tỷ giá từ chỗ bất ổn mạnh vào năm 2008 đến khi ổn định.
Với sự gia tăng liên tục và mạnh mẽ của tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ quý 1/2008 đến quý 2/2011 cho thấy lòng tin vào VND suy giảm mạnh, báo cáo nhận định rằng, một lần nữa thị trường đã phát đi tín hiệu về sự bất ổn của nền kinh tế từ rất sớm.
Và quá trình tái cơ cấu, theo Chính phủ, bắt đầu bằng thực hiện Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ trong đó thực hiện phá giá tỷ giá biên độ lớn 9,36% vào tháng 2/2011.
Việc phá giá tỷ giá vượt quá kỳ vọng đầu cơ của thị trường cùng với các biện pháp siết chặt thị trường ngoại hối, tăng lãi suất tiết kiệm VND giảm lãi suất tiết kiệm ngoại tệ... đã nhanh chóng ổn định tỷ giá, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Kể từ tháng 4/2011 đến nay thị trường ngoại hối nhìn chung diễn biến ổn định, tốc độ tăng tỷ giá giai đoạn quý 2/2011 đến quý 4/2014 chỉ bằng 1/10 tốc độ tăng tỷ giá của thời kỳ quý 1/2008 đến quý 2/2011.
Từ quý 3/2014, đồng USD lên giá với hầu hết các đồng tiền khác, chính sách neo tỷ giá VND với USD đang gây bất lợi cho xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Chính vì vậy từ quý 3/2014 đến nay tỷ giá có điều chỉnh tăng nhẹ, báo cáo tiếp tục dẫn dắt.
Theo đánh giá của cơ quan điều hành, tỷ giá ổn định là kết quả của nhiều yếu tố như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã củng cố lòng tin vào VND, nguồn cung ngoại tệ dồi dào do thặng dư cán cân thương mại và cán cân vốn.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm nâng cao vị thế VND cũng được thực hiện, đặc biệt là các giải pháp về quản lý chặt chẽ tín dụng ngoại tệ, duy trì trần lãi suất huy động ngoại tệ ở mức thấp, điều tiết thanh khoản VND dư thừa trên thị trường mở, duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức cao đối với tiền gửi ngoại tệ, quản lý thị trường vàng theo hướng loại bỏ vàng như là một đơn vị thanh toán.
Chính phủ dự báo, trong ngắn và trung hạn, tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ không tăng đột biến, nhờ vào tiềm lực dự trữ ngoại hối khá mạnh của Việt Nam.
Báo cáo cũng nhắc lại ngày 11/8/2015 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh cơ chế hình thành tỷ giá làm cho đồng Nhân dân tệ mất giá liên tục trong ba ngày lên đến 4,6%, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng linh hoạt bằng cách nới lỏng biên độ tỷ giá lên ±3% và phá giá tham chiếu của VND/USD lên 1%.
Những điều chỉnh này và sự biến động bất ngờ của Nhân dân tệ được đánh già là đã gây sức ép đáng kể lên tỷ giá trong thời gian đầu.
“Cho đến nay, sau khi thị trường có thời gian điểu chỉnh, sức ép lên tỷ giá đã giảm, tỷ giá biến động dưới trần cho phép. Từ nay đến cuối năm nguồn cung USD vẫn khá dồi dào nên sức ép điều chỉnh tỷ giá sẽ thấp, nếu có chỉ mang tính tạm thời tại một số thời điểm trong năm”. Chính phủ nhận định.
VnEconomy