MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng bị làm giá?

05-07-2013 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần một tuần sau thời hạn các ngân hàng (NH) buộc phải tất toán trạng thái vàng, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới đến 6,2 triệu đồng/lượng.

Có hiện tượng “làm giá” vàng

Thời điểm mở cửa sáng 4-7, giá bán vàng miếng SJC ở mức 37,75 triệu đồng/lượng, nhưng một giờ sau đã cán mốc 38 triệu đồng/lượng. Đến 11g, giá bán vàng miếng SJC lên mức 38,45 triệu đồng/lượng, đắt hơn buổi sáng 700.000 đồng/lượng. Còn nếu so với cuối ngày 3-7, giá bán ra của các doanh nghiệp tăng thêm 850.000 đồng/lượng, dù trong cùng thời gian này giá vàng thế giới chỉ tăng 10 USD/ounce, tương đương 256.000 đồng/lượng.

Trong những phiên gần đây giá vàng liên tục diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. Phiên ngày 3-7, giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn đi lên, chênh lệch giữa giá mua - bán có thời điểm lên đến 950.000 đồng/lượng.

Trong khi đó các công ty vàng cho biết nhu cầu mua vàng của người dân không tăng. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, khẳng định mỗi ngày công ty bán ra khoảng 1.500 lượng, bằng 1/3 so với thời điểm nóng sốt một tuần trước. Số vàng bán ra tại Công ty PNJ trung bình 500-700 lượng mỗi ngày.

Theo các công ty vàng, giá vàng trong nước cao vì nguồn cung có phần hạn hẹp do người dân không bán ra, còn các công ty rất khó tranh mua trong các phiên đấu thầu vàng của NH Nhà nước vì giá trúng thầu được đẩy lên rất cao so với giá thị trường.

Đại diện một công ty vàng tham gia đấu thầu cho biết phần lớn trong số 79.900 lượng vàng được tung ra thị trường sau thời điểm 30-6 do các NH mua để hoàn tất việc đóng trạng thái cho vay. Do vậy, dù NH Nhà nước liên tục bán vàng ra nhưng thực chất nguồn vàng không ra được thị trường mà nằm lại trong các NH.

Các NH cũng xác nhận thông tin này. Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn thừa nhận đã mua gần 1 tấn vàng tương ứng với dư nợ cho vay để hoàn tất việc đóng trạng thái. Vị lãnh đạo này cho biết hiện NH Nhà nước giám sát rất chặt trạng thái vàng của các NH, NH nào chưa hoàn thành đều bị NH Nhà nước liên tục nhắc nhở và mỗi ngày các NH đều phải gửi báo cáo tình hình tất toán số vàng huy động, cho vay cho NH Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng có hiện tượng làm giá của các tổ chức được cung ứng vàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến kỳ vọng thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới sau ngày 30-6 chưa thể thực hiện.

“Diễn biến của giá vàng trong nước rất khó đoán, chênh lệch giữa giá mua - bán luôn duy trì ở mức 800.000 - 1 triệu đồng, gấp 4-5 lần so với thời điểm trước ngày 30-6 gây rủi ro cho người giữ vàng. NH Nhà nước nên tính đến giải pháp dài hơi hơn thay vì nhập - bán như thời gian qua, mà đến nay sau gần 40 phiên đấu thầu vẫn chưa thể làm dịu giá vàng trong nước” - ông Hải nói.

Bí chỗ gửi vàng

Trong một diễn biến khác, NH Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các NH thương mại tạm ngưng cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng cho người dân để chờ hướng dẫn cụ thể.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, từ sáng 4-7 các NH đã tạm ngưng nhận giữ hộ vàng mới với lý do “mới nhận được chỉ đạo từ hội sở”. Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết với 150.000 lượng vàng đã nhận giữ hộ trước kia thì NH vẫn duy trì, trường hợp nhờ giữ hộ mới thì NH tạm ngưng để chờ xin giấy phép từ NH Nhà nước.

“Khi nào NH Nhà nước chuẩn y thì chúng tôi sẽ mở lại dịch vụ này” - ông Khang nói. Đại diện ACB, Eximbank cũng xác nhận đã ngưng dịch vụ này để chờ xin giấy phép. Thông tin các NH đồng loạt ngưng giữ hộ vàng đã gây lo lắng cho nhiều người dân.

Bà Trần Ngọc Anh, quận Phú Nhuận, cho biết trước đây số vàng tích lũy bà đều gửi NH. Khi NH không còn huy động vàng, bà vẫn gửi NH giữ hộ. Nghe tin NH ngưng nhận giữ hộ với số vàng gửi mới, bà khá lo lắng vì giữ vàng ở nhà không an toàn. “NH Nhà nước công nhận quyền sở hữu vàng của người dân thì cũng nên tạo điều kiện để người dân có thể bảo toàn tài sản. Không nên chấm dứt đột ngột” - bà nói. Anh Tâm (Gò Vấp) đề nghị NH Nhà nước nên có giải pháp huy động số vàng trong dân, nếu không sẽ rất lãng phí. “Thay vì tìm giải pháp để người dân từ bỏ thói quen giữ vàng, NH Nhà nước nên tính giải pháp huy động số vàng trong dân, biến nó thành nguồn lực của quốc gia” - anh Tâm nói.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng NH Nhà nước cũng nên có giải pháp linh hoạt mang tính thị trường để điều tiết thị trường vàng.

Ngoài ra, sau khi các NH hoàn tất việc đóng trạng thái, NH Nhà nước không thể đột ngột ngưng đấu thầu mà nên tính toán cung ứng nguồn cung cho thị trường với liều lượng thích hợp. “Nhu cầu mua vàng của người dân thật sự vẫn còn, đặc biệt khi giá vàng xuống thấp và các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán... đang kém hấp dẫn” - ông Long nói.


Theo Ánh Hồng

hangnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên