VCBS: Động lực để các ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều
Việc các ngân hàng gặp khó trong đầu ra chủ yếu là do vấn đề nợ xấu cũng như sức khỏe và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung chứ không phải là do lãi suất chưa hợp lý.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 02/2014 với những nhận định tích cực.
Mục tiêu lạm phát 2014 được hạ xuống 6%.
Hai tháng đầu năm là giai đoạn mà diễn biến lạm phát thường chịu ảnh hưởng mang tính chất mùa vụ vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chỉ số CPI trong tháng 1 và tháng 2 không quá đột biến với mức tăng lần lượt 0,69% và 0,55% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so các con số của cùng thời điểm năm 2013 (tương ứng 1,25% và 1,32%).
VCBS đánh giá, sau Tết, trong tháng 3 cũng như Quý 2 sắp tới, khả năng lạm phát có biến động mạnh là khó xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh sự phục hồi của sức mua –tổng cầu còn yếu. Theo đó, các chuyên gia cho rằng CPI tháng 3 phần nhiều phụ thuộc vào áp lực của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu (nếu có).
“Với việc giá xăng được điều chỉnh tăng nhẹ 300 đồng/l từ cuối tháng 2, chúng tôi dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng nhẹ khoảng 0,05% - 0,1% so với tháng 2, tương ứng mức tăng khoảng 4,8%-5% so với cùng kỳ.” – báo cáo viết.
Dự báo cho cả năm, VCBS cho rằng nếu diễn biến tăng giá của các mặt hàng thiết yếu vẫn diễn ra theo lộ trình và không quá khác biệt so với năm 2013 thì mức 6% kể trên là khả thi dựa trên các cơ sở (1) cung tiền M2 tiếp tục được điều tiết tốt, mục tiêu tăng trưởng tín dụng12% - 14% gần tương tự năm 2013 và (2) tổng cầu dù được kỳ vọng sẽ cải thiện dần nhưng sẽ khó có đột phá. Theo đó, tỷ lệ lạm phát trong năm 2014 được dự báo vào khoảng 5,5% - 6%. Cũng lưu ý, báo cáo này được viết vào ngày 15/03/2014, nhưng hôm nay, ngày 19/03/2014, giá xăng tăng 300 đồng/l và thông tin này chưa được cập nhật.
Lĩnh vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế
Nền kinh tế trong hai tháng đầu năm vẫn cho thấy sự ổn định nhưng chưa có những cải thiện thực sự rõ rệt so với thời điểm cuối năm 2013. Điểm sáng của nền kinh té vẫn được phát đi từ lĩnh vực sản xuất, thể hiện qua các mức tăng của Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số PMI ngành sản xuất (theo HSBC)…
Việc nhập khẩu cải thiện rõ nét cho thấy các doanh nghiệp đang khá tích cực nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất đáp ứng cho các đơn đặt hàng, đồng thời cũng là cơ sở cho kỳ vọng sản xuất và xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, dù lĩnhvực sản xuất tiếp tục phát đi tín hiệu tốt nhưng nhìn chung cầu đầu tư chưa thực sự được cải thiện rõ ràng.
Theo VCBS, mức tăng trưởng âm diễn ra trong hai tháng đầu năm không quá đáng lo ngại, phần nhiều do yếu tố thời vụ và ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết kéo dài. Theo chu kỳ, tăng trưởng tín dụng sẽ được hồi phục trở lại vào khoảng cuối Q2 và diễn biến hiện tại là hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng vẫn chỉ đang cho thấy sự phục hồi yếu khi tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng ước tăng 11,6%, loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%, vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình khoảng 20% trong giai đoạn từ năm 2011 trở về trước khi cầu tiêu dùng tăng trưởng tốt.
Mặc dù chưa phục hồi mạnh nhưng chúng tôi cũng nhận thấy cầu tiêu dùng cũng đã có những cải thiện nhất định mức 11,6% và 6,2% nếu loại trừ yếu tố giá, đều cao hơn so với con số cùng kỳ 2013 (10,92% và 3,6% nếu loại trừ yếu tố giá).
“Tổng cầu được đánh giá chỉ phục hồi ở mức vừa phải nhưng với điểm sáng từ lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu, chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng GDP Quý 1, nhiều khả năng GDP Q1.2014 sẽ tăng khá hơn so với Q1.2013 và có thể sẽ đạt khoảng 4,8%-4,9%.” – chuyên gia VCBS nhận định.
Thị trường ngoại hối ổn định, áp lực điều chỉnh tỷ giá có thể sẽ tăng dần từ Quý 2
Báo cáo này cũng cho rằng áp lực điều chỉnh tỷ giá trong Quý 1 là không lớn, nhưng có thể sẽ tăng dần từ Quý 2 khi sản xuất tiếp tục phục hồi tốt hơn đi cùng với nhập siêu; và nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi các tín hiệu tích cực hơn, FED duy trì tốc độ cắt giảm gói QE3 kéo theo việc tăng giá của đồng USD. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng trong tháng 3 và Quý 2, sự ổn định của thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục được đảm bảo và duy trì tốt.
Việc hạ lãi suất có lẽ sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng
Báo cáo dẫn số liệu cho thấy mặc dù đã có những điều chỉnh giảm nhẹ nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân không có nhiều thay đổi so với thời điểm cuối năm 2013. Điều này là do lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn hầu như không thay đổi sau khi đã được điều chỉnh giảm trong năm 2013 với mức thấp hơn khá nhiều so với một số ngân hàng vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, với lãi suấtchovay, do chỉ tập trung ở một số đối tượng khách hàng đặc thù và tiềm năng do đó động thái giảm lãi suất kể trên không tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng cũng như chuyển biến tức thì trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế.
Từ ngày18/3, NHNN đã hạ các mức lãi suất chủ chốt.
“Động thái này theo chúng tôi là hợp lý và phù hợpvới định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt ở mức thấp, như đã trình bày ở phần trên, và thanh khoản hệ thống đang khá tốt trong khi tăng trưởng tín dụng chưa được đẩy mạnh.” – báo cáo đánh giá.
Việc lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ sẽ là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãisuất cho vay giảm theo sau đó. Tuy nhiên VCBS nhìn nhận rằng hiện tại động lực để các ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều. Việc các ngân hàng gặp khó trong đầu ra chủ yếu là do vấn đề nợ xấu cũng như sức khỏe và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung chứ không phải là do lãi suất chưa hợp lý.
“Hơn thế nữa, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đa số các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ngân hàng trong thời gian qua, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tíndụng của các ngân hàng, phần nhiều được vay với lãi suất khá ưu đãi khoảng 7%-8%, theo đó dư địa để có thể giảm thêm từ mức này là rất ít. Như vậy, nếu việc giải quyết nợ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ.” – các chuyên gia cho biết.
Nói về nợ xấu, không thể không nhắc đến VAMC. Một số Thông tư, dự thảo quy định về hoạt động của tổ chức này tiếp tục được đưa ra. Cụ thể, ngày 26/02/2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-NHNN quy định báo cáo thống kê và công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của VAMC. Ngoài ra,theodự thảo Thông tư hướng dẫn về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm (TSBĐ) của VAMC đang được Bộ Tư pháp xây dựng,VAMC chỉ được tự bán TSBĐ của các khoản nợ xấu đã mua có giá trị dưới 10 tỷ đồng. Đối với các TSBĐ trị giá trên 10 tỷ đồng, VAMC phải thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện.
“Dù mới chỉ là dự thảo, nhưng thông tin này cũng đã phần nào bắt đầu chỉ ra hướng giải quyết cho vấn đề đầu ra củaVAMC.” – VCBS đánh giá – Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng VAMC sẽ hoạt động minh bạch, sôi nổi hơn cả về đầu vào và đầu ra khi Thông tư 04 được áp dụng, dự thảo trên được thông qua và thêm các nỗ lực của Chính phủ được triển khai.
Sửa đổi Thông tư 02 – cực chẳng đã
NHNN đã ban hành thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 02/2013/TT-NHNN theo hướng chưa thực hiện một số quy định về phân loại tín dụng.
VCBS đánh giá, ảnh hưởng chung của những điều chỉnh này là tích cực đối với triển vọng của lĩnh vực ngân hàng trong ngắn hạn, cụ thể là năm2014. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, đánh giá tín nhiệm của Moody’s với các ngân hàng Việt Nam hiện ở mức Tiêu cực, một lần nữa thể hiện quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với chất lượng tài sản cũng như tính minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàngViệt Nam. Điều này cũng phản ánh ngành ngân hàngViệt Nam còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2014 này và việc sửa đổi thông tư 02 có thể coi như “cực chẳng đã”.