Không ít ngân hàng (NH) hiện nay không dám công khai các khoản nợ xấu, và cũng không dám “mạnh tay” trong việc thu hồi nợ, một phần cũng vì ngại va chạm với pháp luật, đồng thời sợ… “cháy nhà ra mặt… nợ”. Hậu quả thì rõ ràng: nhà nước thiệt hại cả trăm, ngàn tỷ đồng, nợ xấu trầm trọng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỷ trọng lớn, kéo theo nhiều hệ lụy khác đã để lại những bài học đắng nghét cho các tổ chức tín dụng và cả nền kinh tế…
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, và…
Hiện nay cả nước có 139 tổ chức tín dụng, trong đó có 42 NH thương mại nhà nước và cổ phần, 54 chi nhánh NH nước ngoài, 30 công ty tài chính và cho thuê tài chính, trên 1.000 quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính - NH của nước ta được xem là một trong những thị trường trẻ và sôi động bậc nhất trong khu vực. Trong khi đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh về thị trường này vẫn tiếp tục đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện cùng những lỗ hổng pháp lý đã tạo cơ hội để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Theo một báo cáo của Bộ Công an, chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6/2012, Cảnh sát kinh tế đã phát hiện và điều tra 104 vụ phạm tội trong lĩnh vực NH, thiệt hơn 9.100 tỷ đồng, thu hồi trên 2.000 tỷ đồng, trong đó khởi tố 70 cán bộ NH, kiến nghị ngành NH xử lý hành chính 85 cán bộ, nhân viên. Đáng lưu ý, hầu hết những vụ việc trên đều có sự tiếp tay của cán bộ NH, chiếm tới gần 70% số đối tượng đã khởi tố.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (C46), Bộ Công an, thủ đoạn phổ biến nhất là việc cán bộ tín dụng vì vụ lợi đã cố ý hoặc lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của NH, làm sai quy trình cho vay dẫn đến thất thoát vốn cho vay; DN lập hồ sơ vay vốn với hồ sơ tài sản thế chấp giả; hợp đồng kinh tế, hợp đồng thuê kho bãi bên quản lý hàng hóa, hóa đơn GTGT; bộ chứng từ chiết khấu giả, phương án kinh doanh, phương án trả nợ giả cổ phiếu, trái phiếu, sổ đỏ giả, dự án “ma”... sau đó thông đồng với cán bộ NH để vay chiếm đoạt hoặc làm giả các loại giấy tờ bảo lãnh của NH để lừa đảo. Trong đó hành vi lập hồ sơ cho vay khống để rút tiền và thông đồng với đối tượng bên ngoài để cho vay trái nguyên tắc diễn ra khá phổ biến. Chiêu thức này không mới nhưng nó lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát tiền của nhà nước.
Một trong những vụ việc nổi đình nổi đám để lại quả đắng nhất xảy ra tại Công ty Cho thuê Tài chính 2 (ALC2) của NH NN&PTNT. Dù đã bị bắt giam từ lâu, kéo theo tới 10 bị can khác cùng chịu cảnh lao lý, song hậu quả mà Vũ Quốc Hảo, nguyên Giám đốc ALC 2 để lại đến nay không dễ gì khắc phục. Bởi đúng thời điểm kinh tế trong nước và thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu khó khăn về tài chính; bộc lộ dấu hiệu của một chu kỳ suy giảm mạnh, ông giám đốc này đã vung tiền mua đến 76 con tàu để cho thuê mà thực chất là cho các DN tư nhân vay tiền để mua tàu biển một cách vô tội vạ.
Đơn cử như Công ty TNHH khai thác thủy sản Đại Dương đang có dư nợ 1,9 tỷ đồng tại đây nhưng vẫn được ALC 2 vung tiền cho thuê thêm tài sản trị giá 76,6 tỷ đồng… Trước cung cách đầu tư kinh doanh kiểu ngu ngơ, liều lĩnh, ồ ạt “ném tiền ra biển” của ông Hảo, nhiều nông dân, thủy thủy tàu hoặc những người từng làm trong ngành hàng hải… bỗng “một phút lên hương” trở thành chủ tàu biển quốc tế sau khi đem tài sản là ruộng vườn, nhà cửa đang có hoặc đi mượn, thế chấp cho ALC 2 để làm vốn đối ứng mua tàu!? Sau vài năm neo đậu trong ngắc ngoải, đến nay dàn tàu biển ALC 2 đã cho thuê nếu thu hồi về đem bán chưa chắc được nửa số tiền đã bỏ ra mua. Như vậy, dù cả ngàn tỷ của ALC 2 đã bị ông Hảo dìm xuống đại dương theo số phận những con tàu, nhưng vẫn chưa yên bởi kéo theo ông Hảo hiện vài chục chủ đầu đang phải sống trong lo âu chờ ngày…mất trắng nhà cửa, ruộng vườn vì đã trót đem làm tài sản đối ứng.
… Hậu quả ngày càng đắng nghét
Vi phạm trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự. Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và tội phạm NH nói chung gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ở mức độ vĩ mô, loại tội phạm này xâm hại chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước. Ở góc độ hẹp hơn, tội phạm này phá hoại hoạt động kinh doanh của một NH, làm ảnh hưởng đến uy tín của NH, gây hoang mang, dao động cho khách hàng và có thể dẫn đến hiện tượng đột biến rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng thanh toán hay phá sản cho một NH. Đồng thời khiến hệ thống NH hoạt động không đúng định hướng, làm cho khâu điều hành, quản lý của NHNN kém hiệu quả, gây mất lòng tin của nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, để xảy ra nợ xấu như ngày hôm nay có hàng chục nguyên nhân, trong đó có thẩm định tài sản không đúng, cho vay ẩu. Đáng lưu ý đó là việc thế chấp tài sản cho vay chủ yếu là bằng BĐS, chiếm tới 65-70% các khoản vay, còn các tài sản cơ động khác chỉ chiếm từ 3-5%. Mà hiện nay, BĐS đóng băng, DN trong lĩnh vực này rơi vào tình cảnh “chết hàng loạt”, dẫn đến hàng tồn kho vật liệu xây dựng, công nhân thất nghiệp… NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 5/2012, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS khoảng 197.000 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% dư nợ, chiếm khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu NH theo báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ bốc hơi, bị ném ra gió thoạt đầu tưởng chỉ các NH cùng số cán bộ làm ẩu, tiếp tay cho các đối tượng phải gánh chịu nhưng suy đến cùng vẫn là Nhà nước và nhân dân phải lãnh đủ. Để khắc phục tình trạng nợ xấu, các NH đã chuyển các khoản vay không thanh toán trên vào quỹ xử lý rủi ro để xóa nợ. Như vậy thì Nhà nước vẫn phải bù tiền. Điều này vô hình trung đã làm cho hệ thống tài chính nói chung, trong NH và doanh nghiệp nói riêng không lành mạnh, nó như một cục máu đông bị “vón cục” không thể lưu thông khiến vòng quay của thị trường tài chính bị ứ đọng. Chính sách kinh tế - tài chính bị ảnh hưởng, nền kinh tế vốn dĩ đã khó khăn nay lại gánh thêm nhiều khó khăn khác dẫn đến suy yếu và nhạy cảm với những vấn đề phát sinh…
Trong quá trình thực hiện chuyên đề này, phóng viên Báo CAND đã gặp gỡ và tiếp xúc với giám đốc nhiều DN, một số cán bộ NH bị khởi tố, bắt tạm giam… và phần nào đã lý giải được kẽ hở trong hoạt động tín dụng hiện nay. Có nhiều sự thật giật mình đến ngỡ ngàng trước “năng lực”, cung cách làm ăn liều lĩnh, bất chấp quy định của cán bộ NH.
Một trong số đó có Đặng Thị Thanh (ĐTT), Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh (Phú Thọ). Từ năm 2006 đến năm 2008, vị giám đốc này đã thế chấp và được NH NN&PTNT chi nhánh Phú Thọ và NH Công thương tỉnh Phú Thọ cho vay hơn 14 tỷ đồng, đến thời điểm này không còn khả năng thanh khoản…
PV:Khi dùng tài sản đã thế chấp tại các NH để góp vốn làm ăn với các đối tác khác tại các tỉnh Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang, công ty của bà có thông báo với các NH?
ĐTT: Tôi có thông báo với Giám đốc NH và nhận được sự đồng ý từ phía họ. Tại NH Công thương tỉnh Phú Thọ, tôi đã thông báo với nhân viên của NH này. Trên thực tế thì vào thời điểm hợp đồng thế chấp vay tiền của NH được ký kết, số tài sản này đã không còn nằm ở Công ty TNHH Thiên Thanh. Song để có thể vay được tiền, trong hồ sơ thẩm định, cán bộ NH vẫn ghi là tài sản ở Việt Trì.
PV:Theo chị có sơ hở của cán bộ Ngân hàng khi tiến hành thẩm định hồ sơ cho vay vốn và giám sát tài sản thế chấp không?
ĐTT: Theo tôi là có. Các NH liên tục đổi cán bộ quản lý, trong khi đó chúng tôi cũng thường thay đổi nhân viên kế toán nên không kiểm soát được. |
Theo M.Hà - L.Thuý - X.Mai - Đ.Thắng