Việt Nam chưa có ngân hàng nào đủ sức thống lĩnh thị trường
Trong tương lai sẽ có 3 - 4 ngân hàng lớn, còn các ngân hàng nhỏ khác sẽ phải chịu cảnh mua bán sáp nhập, hoặc chuyển sang tập trung vào một dịch vụ chuyên biệt hơn.
Đẩy mạnh bán lẻ là định hướng được nhiều ngân hàng trong vòng vài năm trở lại đây. Hàng loạt các ngân hàng như SHB, Techcombank, Vietcombank, VIB, ... đều thông báo tăng trưởng về lợi nhuận trong mảng bán lẻ và tất cả đều khẳng định sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ này.
Tuy nhiên, báo cáo khảo sát về ngân hàng bán lẻ của Ernst & Young mới đây công bố một con số đáng suy ngẫm: 77% khách hàng cá nhân Việt Nam đã đóng hoặc mở một tài khoản ngân hàng trong vòng 12 tháng qua, và 66% sẵn sàng đóng tài khoản cũ và mở một tài khoản mới trong 12 tháng tới.
Con số này cao hơn rất nhiều so với thế giới (lần lượt là 52% và 40%) và phản ánh một thực trạng: khách hàng Việt Nam rất "thiếu trung thành" với ngân hàng. Hay nói ngược lại, các ngân hàng dường như đang bế tắc trong việc giữ chân khách hàng.
Ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng EY châu Á - Thái Bình Dương đưa ra lời lý giải cho con số này: "Việt Nam hiện có tới 40 ngân hàng và hầu hết đều cạnh tranh nhau một sản phẩm duy nhất đó là tiền gửi".
Điều này khiến khách hàng tại Việt Nam dễ dàng thay đổi dịch vụ sang một ngân hàng khác, miễn là ngân hàng đó đưa ra ưu đãi về dịch vụ và giá/phí. Nó cũng phản ánh thị trường ngân hàng
Tại những thị trường phát triển như Australia hay Nhật Bản, khách hàng thường hiếm khi thay đổi ngân hàng. Nguyên nhân là bởi tại Australia chỉ có 3 ngân hàng lớn, còn tại Nhật Bản con số này là 4. Hệ thống ngân hàng gọn gàng khiến khách hàng ít có sự lựa chọn hơn.
Thêm vào đó, mỗi ngân hàng tại Australia thường cung cấp 4 - 5 sản phẩm: tín dụng, hưu trí, bảo hiểm, tiền tiết kiệm. Nếu khách hàng muốn đổi sang ngân hàng khác, họ phải thay đổi lại toàn bộ. Việc cung cấp nhiều sản phẩm một lúc khiến khách hàng phụ thuộc ít nhiều vào ngân hàng và không dễ dàng đóng tài khoảng.
Theo ông Pogson, tình hình tại Việt Nam sẽ thay đổi trong dài hạn. Theo đó, chỉ có những ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính mạnh mẽ mới đủ sức tồn tại và vươn lên dẫn dắt thị trường.
"Việt Nam hiện chưa có ngân hàng nào đủ sức thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên trong tương lai sẽ có 3 - 4 ngân hàng lớn như vậy, còn các ngân hàng nhỏ khác sẽ phải chịu cảnh mua bán sáp nhập, hoặc chuyển sang tập trung vào một dịch vụ chuyên biệt hơn", ông Pogson nhận định.
Lý giải cho quan điểm của mình, chuyên gia EY cho rằng, các dịch vụ và sản phẩm hiện nay đang ngày càng phải biến đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để làm được điều này, các ngân hàng sẽ bắt buộc phải đầu tư vào khai thác dữ liệu, công nghệ và đổi mới.
Tuy nhiên, dữ liệu và công nghệ là những khoản đầu tư rất đắt đỏ, và trong dài hạn, sẽ chỉ có những ngân hàng lớn với tiềm lực tài chính hùng hậu mới đủ sức tham gia cuộc đua này. Với những ngân hàng nhỏ, hoặc là họ sẽ phải chịu cảnh sáp nhập với nhau, hoặc là phải tự đi tìm thị trường ngách cho riêng mình"
"Thay vì 40 ngân hàng như hiện nay, sẽ chỉ còn lại 6 - 7 ngân hàng trong tương lai. Nhà nước có thể tác động hoặc can thiệp nhất định để thúc đẩy quá trình mua bán sáp nhập các ngân hàng nhỏ lại với nhau", Pogson dự báo. Trong quá khứ, chúng ta cũng đã chứng kiến thương vụ SacomBank và Phương Nam, nhưng quy mô như vậy vẫn là chưa đủ.
Mặc dù vậy, ông cũng cho biết, tương lai này vẫn còn khá xa. Hiện tại, thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam vẫn còn rất màu mỡ với 75% dân số hiện chưa có tài khoản ngân hàng. "Điều quan trọng là các ngân hàng hiện vẫn đang có cơ hội ngang nhau trong cuộc đua này", Pogson cho biết.
Trần Dũng